Người dân biên giới Mường Tè xóa nghèo từ kinh tế đồi rừng
Thứ hai, 15:44, 20/11/2023  Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Phát huy tiềm năng, lợi thế từ rừng, đồng bào các dân tộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực bám rừng để phát triển kinh tế. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều mô hình, dự án cây trồng, vật nuôi được triển khai, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng số hộ khá giả ở địa phương.

 

Gia đình anh Vàng Hu Ga, ở bản Huổi Han, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu là hộ nghèo đặc biệt khó khăn của bản. Gần 10 nhân khẩu của gia đình chỉ trông chờ vào ít ruộng nương trồng lúa một vụ và nông sản lấy từ rừng.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đeo bám từ năm này qua năm khác và phải phụ thuộc nguồn hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt của nhà nước. Diện tích rừng Nhà nước giao khoán trông coi bảo vệ thì nhiều, nhưng anh cũng như nhiều hộ dân trong bản không biết làm gì để bớt đói nghèo.

Chỉ đến khi cán bộ nông nghiệp về tuyên truyền, vận động trồng quế, sa nhân và hỗ trợ cây, con giống nuôi dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài, bà con mới biết rừng cho cuộc sống tốt hơn.

"Nhà mình bắt đầu trồng quế từ năm 2017 và năm nay tỉa cành, tỉa lá mang đi bán cũng được gần 50 triệu và cũng thấy cây quế có hiệu quả kinh tế cao. Diện tích quế của nhà mình tính đến thời điểm hiện tại cũng có gần 1ha. Mong muốn sau này cây quế tiếp tục cho thu nhập cho gia đình và xóa đói, giảm được nghèo". - Anh Vàng Hu Ga chia sẻ.

Xã Bum Tở, huyện Mường Tè có hơn 98% đồng bào La Hủ, 1 trong 4 dân tộc đặc biệt khó khăn ở địa phương. Trước đây đồng bào La Hủ được hưởng các chính sách dành cho dân tộc có số dân dưới 10.000 người, nên được hưởng nhiều nguồn hỗ trợ trong phát triển kinh tế, xã hội.

Khoảng 3 năm trở lại đây, dân số La Hủ tăng lên, đồng nghĩa với các chính sách bị cắt giảm, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Ông Vàng Hu Chờ, Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Bum Tở đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Từ đó, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, xã chú trọng hướng phát triển bền vững, khi lựa chọn mở rộng diện tích cây trồng dài ngày là dược liệu và quế.

"Chúng tôi đã đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy và hàng năm UBND xã phải xây dựng kế hoạch cụ thể, để đặc biệt làm sao giảm được tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo. Để làm được điều đó xã đã vững tâm vào chuyển đổi cây trồng, làm sao các cây trồng, vật nuôi phù hợp với đồng bào dân tộc. Mấy năm gần đây xã cũng đã định hướng và có chủ trương tập trung đẩy mạnh phát triển các cây trồng lâu năm như là trồng quế và sa nhân tím rồi là trồng giềng trên địa bàn". - Ông Vàng Hu Chờ nói.

Cũng như xã Bum Tở, xã Pa Ủ có hơn 95% dân số là đồng bào La Hủ và độ che phủ rừng chiếm gần 70%, trong đó chủ yếu là rừng già nguyên sinh. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để xã định hướng nhân dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu từ rừng.

Ngoài phát triển các cây trồng theo định hướng của cấp trên, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 30 triệu đồng/hộ/năm, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tái sản xuất, trồng và nuôi các cây, con ngắn ngày để nâng cao thu nhập.

Theo ông Phí Chí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, nhận thức người dân  được nâng lên khi nhận được chính sách chi trả môi trường rừng. Trong đó, bà con đặc biệt tập trung vào mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình.

"Trách nhiệm của bà con được nâng cao trong bảo vệ, phát triển rừng. Từ đó hầu như các bản thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và không còn chặt phá rừng như trước đây nữa." - Chủ tịch Phía Chí Giá nhận định.

Huyện biên giới Mương Tè là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, có 14 xã, thị trấn, với 110 bản, khu phố, gần 11.000 hộ dân. Đặc biệt, địa phương có 6 xã biên giới, với chiều dài đường biên hơn 130km, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Từ xuất phát điểm và đánh giá tình hình thực tế, Đảng bộ huyện Mường Tè xác định kỹ các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ngoài tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn đảng bộ và nhân dân các dân tộc, huyện xác định hướng đi bền vững cho người dân là kinh tế đồi rừng.

Ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho hay, ngoài gần 500ha quế, hiện nay tại địa phương đang có gần 400ha cây cao su, gần 5.300ha cây dược liệu các loại như sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, thảo quả.

Cùng với đó, huyện có hơn 4.000ha cây lương thực hàng năm và đàn gia súc gần 40.000 con. Nhờ chủ trương, định hướng của huyện và sự nỗ lực của người dân, đến nay thu nhập bình quân đầu người hàng năm đã tăng lên gần 28 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 50%.

"Sau nhiều năm thống nhất, thí điểm bây giờ chúng tôi chọn một số cây con có hướng đi rõ ràng. Thứ nhất là phát triển cây quế và hiện nay dân đang phát triển rất mạnh, doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhà máy chế biến. Xuất phát từ vị trí địa lý chúng tôi vẫn xác định giữ cho bằng được tài nguyên rừng, rồi biên giới ổn định, tình hình an ninh chính trị trong nội địa là đảm bảo. Có như thế mới kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư đến và mới tổ chức, triển khai thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đề ra". - Ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho biết thêm.

Từ chủ trương khai thác tiềm năng, lợi thế từ rừng để phát triển kinh tế, đến nay đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Mường Tè ngày càng ấm no, phát triển hơn.

Đặc biệt, nhận thức của người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Thay vì ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân đã đoàn kết, tự khắc phục khó khăn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC