Người phụ nữ Mông đấu tranh chống nạn buôn người
Thứ sáu, 00:00, 03/03/2017 Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh

VOV4.VN - Từ nỗi đau khi đứa con gái 13 tuổi trở thành nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, người phụ nữ Mông Hạng Thị Sa nỗ lực tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của bọn buôn người.


Đau đớn khi đứa con bị bạn thân lừa bán                                                                                                                                                                                                                                                            
Chị Hạng Thị Sa, ở thôn Giàng Cha, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai. Hai năm trước, trong một lần đi nhặt củi, con gái chị là Giàng Thị Tùng, 15 tuổi, bị chính người bạn thân lừa bán. 

“Hôm ấy là cận Tết, em rủ người bạn thân nhất của em đi kiếm củi. Bạn lại rủ đi Sa pa chơi, đi mua quần áo đẹp, đi mua cái này cái nọ để ăn. Em bảo không có tiền thì chị họ bạn ấy cho mỗi đứa một trăm nghìn và bộ quần áo cho em đi. Bọn em ở trên đấy 2 – 3 giờ. Chị của bạn này đến bảo bọn em đến Lào Cai đi mua quần áo đẹp bởi vì rất là rẻ. Em cũng chưa biết Lào Cai ở đâu. Thế là bọn em đi” - Giàng Thị Tùng kể.

 

Qua 2 lần ở hết gia đình này đến gia đình khác, em mới biết mình bị bán. Khi ấy, Tùng đã đặt chân tới Quảng Đông, Trung Quốc. 

“Họ đối xử tệ lắm. Em khóc thì họ đánh. Lúc em vừa mới bị bán sang bên kia em đã phải đi lấy chồng rồi. Kháng cự, em bị bố mẹ bên kia đánh đập. Chồng cho đi làm thuê, phải đi nghiền đá, đập đá xây nhà. Phải đi trồng ngô, trồng lúa rất nhiều. Nhiều khi em đang ngủ, họ lấy dao cắt vào tay em. Lúc chảy máu rất nhiều nhưng không ai băng cho mình. Họ nghĩ rằng mình lười”. 

Biết không thể kháng cự, Tùng cắn răng chịu đựng cuộc sống bên nhà chồng. Em dặn lòng: phải làm việc thật chăm chỉ, phải cố gắng lấy được lòng nhà chồng, lấy được lòng tin, rồi khi đó sẽ tính chuyện bỏ trốn. 6 tháng sau, Tùng đã bỏ trốn thành công. May mắn cho em, trên đường trốn, em gặp được lực lượng chức năng Trung Quốc và họ đưa em trở về.

 


Chị Sa trò chuyện với con gái bên bếp lửa


Ôm con vào lòng, chị Sa kể: khoảng thời gian con bặt vô âm tín, chị như người mất hồn, cạy cửa khắp nơi để cứu con. Tài sản trong nhà có gì bán hết. Chị bảo, cứu con cũng chính là động lực để chị học chữ, vì khi ấy, viết một lá đơn để tường trình là một việc không tưởng với một người mẹ mù chữ như chị.

“Đau đớn như thế nên năm 2015 mới đi học lớp xóa mù chữ. Nhớ con, mình làm miếng ăn mình cũng nhớ con. Mình mổ con gà mình nghĩ nó ở thì nó ăn một đùi rồi. Lúc nhìn thấy con mình, nó ôm chị, chị hỏi một câu: con ơi, con đi sướng hay khổ. Nó bảo mẹ ơi khổ lắm. Hai mẹ con đều khóc”.

Chị Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tả Phìn, cho hay, sau khi em Giàng Thị Tùng trở về, Hội phụ nữ xã phối hợp với các đơn vị lập hồ sơ quản lý, đưa Tùng trở lại trường học, giúp em nhanh chóng tái hòa nhập.

Dự kiến, sau khi Tùng học xong phổ thông trung học, Hội phụ nữ xã sẽ giới thiệu đến Nhà nhân ái – Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai để tạo việc làm cho em.

“Tôi không muốn mọi người khổ như tôi”!

Chị Hạng Thị Sa giờ đây nỗ lực tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác. Hiểu được rằng, không có gì thuyết phục hơn bằng thực tế, chị đã lấy câu chuyện của mình, của con gái mình viết thành kịch, rồi cũng chính chị và con gái đi diễn cho mọi người xem:

“Chị đi xin thầy giáo gọi học sinh vào xem. Chị nghĩ bọn buôn người thường nhắm vào con gái đẹp, thì chị phải diễn cho học sinh xem. Mình diễn là một người yêu rất tốt, mang đi ăn phở, mang đi chợ, rồi mang đi Trung Quốc bán. Mình cũng diễn 2 người con trai yêu một người con gái. Ban đầu giả vờ tranh nhau nhau, nhưng thực tế là tranh nhau bán đi Trung Quốc”. 

Còn Tùng, sau khi từ Trung Quốc trở về, tủi thân vì mọi người xa lánh, em quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau những giờ lên lớp, thời gian rảnh em đều theo mẹ đi diễn kịch. Em muốn bạn bè em không phải chịu thiệt thòi như em. 

Cảm thông với hoàn cảnh mẹ con chị Sa, nhiều em học sinh, phụ nữ trong xã gia nhập đội kịch không chuyên của chị. Đến nay, đội kịch đã có 8 thành viên, đi lưu diễn khắp trong và ngoài huyện Sa pa.

“Xem cô ấy diễn em thấy rất sợ. Lời nói của cô ấy giúp mình không theo ý bọn lừa đảo. Em tham gia đội kịch, diễn cho mọi người xem để họ hiểu ra là: ôi, mình là con gái bị lừa là như vậy” – Giàng Thị La, một thành viên đội kịch, nói.

Không chỉ là dựng kịch, chị còn hướng dẫn, tư vấn tỉ mỉ cho các gia đình biết tìm đến cơ quan chức năng khi gặp nạn. Chị Sa bảo bây giờ không như ngày xưa. Ngày xưa, người Mông có tục “kéo vợ”. Nhà có con gái, cả ngày không thấy con về là biết chắc chắn con đi lấy chồng, mình chỉ ở nhà đợi người ta mang rượu đến. Giờ, 6h tối không thấy mặt con là phải báo công an.

Ngôi nhà sàn 100m2 chị vừa mới cất là thành quả vợ chồng chị bán hoa lan, atiso dành dụm được. Chị bảo, nơi ấy chẳng phải để ở mà sẽ là ngôi nhà chung cho tất cả các bé gái là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về. Chị sẽ dạy chúng học thêu thổ cẩm, dạy chúng bán hàng, tạo công ăn việc làm cho chúng. Nghĩ đến tương lai ấy, khuôn mặt chị bừng lên rạng rỡ.

Theo thống kê của Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Sa Pa, trong năm 2016, có 75 phụ nữ đi khỏi địa phương. Trong đó, 13 trường hợp bị lừa bán được giải cứu trở về.

 

Với những đóng góp của mình, tháng 12/2016 chị Hạng Thị Sa được vinh danh trong lễ tôn vinh người có uy tín vùng Tây Bắc diễn ra tại tỉnh Phú Thọ.



Hải Huyền/VOV4


Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC