Người truyền đam mê văn hóa dân tộc thiểu số cho sinh viên
Thứ tư, 00:00, 01/03/2017

VOV4.VN - Thạc sỹ Hứa Sa Ni, Phó trưởng Khoa Văn hoá dân tộc thiểu số, Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, không ngừng tìm tòi, cải tiến chương trình giảng dạy để truyền đạt kiến thức về văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của các dân tộc thiểu số cho sinh viên.

 

Thầy Hứa Sa Ni là người Khmer, ở tỉnh Bạc Liêu. Đam mê văn hóa dân tộc nên thầy ấp ủ nguyện vọng truyền dạy cho thế hệ trẻ kiến thức về văn hóa, tập quán tín ngưỡng và ngôn ngữ Khmer. 

 

Năm 2007, khi Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình giảng dạy môn ngôn ngữ dân tộc thiểu số, thầy Sa Ni đề xuất mở 1 lớp học dạy tiếng Khmer cho sinh viên trong khoa.

 

Ban đầu, Khoa chỉ đồng ý dạy thử nghiệm, nhưng qua 1 năm, nhận thấy nhu cầu của sinh viên đối với môn học ngày càng lớn nên Ban Giám hiệu quyết định đưa môn học ngôn ngữ Khmer trở thành một trong những học phần bắt buộc. Người trực tiếp giảng dạy môn này, không ai khác, chính là thầy giáo Hứa Sa Ni.  Thầy tham mưu với Khoa mở thêm 1 lớp tiếng Chăm và đứng ra mời gọi các  giảng viên người Chăm về giảng dạy.

 

Thạc sĩ Hứa Sa Ni (hàng thứ 3 bên tay trái) nhận bằng khen tại hội nghị biểu dương giảng viên, sinh viên DTTS tiêu biểu


Với đội ngũ giảng viên của 2 dân tộc Khmer và Chăm,  giáo trình giảng dạy ngôn ngữ Khmer và Chăm được biên soạn chuyên sâu, phù hợp hơn với sinh viên.  Đến nay, chương trình bước vào khóa học thứ 6 và đã giúp cho trên 1 ngàn lượt sinh viên biết đọc, viết 2 thứ tiếng này; đồng thời có thể giao tiếp tốt trong quá trình đi thực tiễn tại địa phương có đồng bào dân tộc Chăm và Khmer sinh sống.

 

Đặc biệt, một số sinh viên tốt nghiệp đã có những đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa, tín ngưỡng hay lễ hội dân tộc thiểu số được đánh giá cao.

 

Chia sẻ với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, năm 2016, thầy Sa Ni đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ  học bổng cho 10 sinh viên; hỗ trợ 5 chiếc máy vi tính để sinh viên tra cứu thông tin; đề xuất với nhà trường cho mở 1 phòng thư viện riêng của khoa và phân công giáo viên trực để hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn sách, tư liệu, bổ sung kiến thức.


Hiện nay, thầy Phó trưởng khoa Hứa Sa Ni cùng với đội ngũ giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số đang đẩy mạnh việc đổi mới chất lượng đào tạo theo hướng ứng dụng thực tiễn, từ đó, giúp các sinh viên có kiến thức sâu rộng hơn, không bị bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp. 

                 

 

Thúy Linh/VOV-TP.Hồ Chí Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC