(VOV) - Những cô giáo dân tộc Chăm ở tỉnh Tây Ninh, ngoài việc dạy theo chương trình, còn thêm nhiệm vụ dạy học trò người Chăm thạo tiếng phổ thông.
Cô giáo Sa Ly Há, trường Tiểu học Vừ A Dính, thành phố Tây Ninh, là giáo viên tiêu biểu của tỉnh. Từ nhỏ, chị đã mơ ước trở thành cô giáo. Năm 2005, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Tây Ninh, chị về dạy ở trường tiểu học Vừ A Dính. Cô giáo Sa Ly Há đã nỗ lực truyền đạt kiến thức cho những học sinh người Chăm:
“Trong quá trình giảng dạy, nếu các em không hiểu thì mình sử dụng tiếng Chăm rồi giải thích lại bằng tiếng Kinh để cho các em hiểu. Mình phải dạy các em từng nét để các em tiếp thu được”.
Cô A Mi Na trong giờ dạy tiếng Việt cho học sinh
Yêu nghề, thương trò, đó là phương châm hành nghề của cô giáo A Mi Ná, giáo viên dạy giỏi trường Tiểu học Tân Hưng A, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Tây Ninh năm 2004, chị về công tác tại quê nhà. Cô giáo A Mi Ná luôn trăn trở để tìm ra những cách thức truyền đạt bài giảng một cách hiệu quả và phù hợp nhất đối với học sinh người dân tộc thiểu số:
“Là giáo viên người dân tộc Chăm, tôi đã dạy nhiều năm lớp một có học sinh dân tộc. Tôi tìm tòi phương pháp dạy cho các em học sinh Chăm học tiến bộ môn tiếng Việt. Bằng cách lập bảng âm, phát cho mỗi em một bảng, hàng ngày tôi dành thời gian ra chơi hoặc đầu giờ, cuối buổi học để kèm cho các em đọc, dần dần các em cũng nắm được âm, biết ghép tiếng để đọc”.
Học sinh hăng say phát biểu trong giờ học của cô A Mi Na
Ở trường Tiểu học Suối Dây A, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, có một giáo viên thường được các em học sinh gọi là “cô giáo Chăm”. Đó là cô giáo còn rất trẻ, sinh năm 1988, tên là Sa Ni Ró.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Tây Ninh năm 2013, cô về dạy ở trường này. Khi mới về đây công tác, cô gặp không ít khó khăn vì học sinh dân tộc Chăm chưa biết nói tiếng Việt nhiều, các em tiếp thu bài chậm, lâu nhớ, mau quên. Trong giảng dạy tiếng Việt, nếu gặp trường hợp các em không hiểu, cô sử dụng tiếng Chăm để giải thích cho các em hiểu. Dần dần các em tiến bộ. Cuối năm, học sinh của cô đều được lên lớp.
Có lẽ chính vì tình cảm yêu nghề, thương trò mà bao năm qua, đội ngũ giáo viên ở Tây Ninh đã âm thầm vượt qua nhiều khó khăn để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Tỉnh Tây Ninh có hơn 11 ngàn giáo viên đang công tác tại các trường học, trong đó 99 giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Sa Phi Giah/VOV-TPHCM
Viết bình luận