- Chuyện khuyến học ở miền núi Khánh Hòa
Ở các địa phương miền núi thuộc tỉnh Khánh Hòa, phong trào khuyến học khuyến tài đã lan tỏa và hỗ trợ các hoạt động giáo dục rất thiết thực, hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của người dân về đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Từ năm 2022 đến nay, phong trào khuyến học ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa ngày càng phát triển và trở thành điểm sáng ở vùng cao. Qua đó tiếp thêm động lực cho các em học sinh an tâm đến lớp, khơi dậy phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Theo bà Võ Thị Minh Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, xã có xây dựng sổ vàng và thành lập Ban quản lý hội, xây dựng quy chế thu chi của hội, để hàng năm trao phần thưởng, học bổng, vận động quyên góp rồi báo cáo lại cho các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như bà con nhân dân. Bà Tài cũng khẳng định, "quỹ khuyến học khuyến tài góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kế cận sau này cho địa phương, nơi phát hiện và bồi dưỡng các cháu có học lực giỏi, khá, chăm học để các cháu duy trì và phát triển".
Chúng tôi đến trường tiểu học và trung học cơ sở Khánh Trung, được biết nhiều em học sinh của trường được Hội khuyến học địa phương đồng hành tiếp sức đến trường. Gia đình em Bộ Văn Khang, học sinh lớp 9 thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn nên nhà trường và hội khuyến học xã thường xuyên hỗ trợ, tặng quà như đồ dùng học tập, quần áo…các món quà giúp Khang vơi bớt khó khăn và tiếp thêm nghị lực để vượt lên trong học tập và cuộc sống:
Xã Khánh Trung có 405 hội viên của Hội Khuyến học. Nhận thức rõ phát triển của phong trào khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiền đề xây dựng xã hội học tập, góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển giáo dục trong thời kỳ mới, Hội khuyến học xã đã thể hiện vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài hướng về cơ sở, với nhiều cách làm sáng tạo. Bà Võ Thị Minh Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết, xã cũng đã tiến hành trao tặng 40 suất học bổng cho các cháu từ cấp mầm non đến đại học, cao đẳng. Trong ngày khuyến học khuyến tài đó, vận động tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã ủng hộ 45 triệu đồng cho quỹ. Cuối mỗi năm, hỗ trợ cho 1-2 hộ của mô hình "công nhân học tập", "dòng họ học tập" và "đơn vị học tập" trên địa bàn 3 thôn. Tiêu biểu như hộ công nhân Cao Đức Thọ vừa được Hội chữ thập đỏ trung ương và Hội chữ thập đỏ tỉnh tặng, anh đã theo học đến trình độ trung cấp, hai vợ chồng cũng cố gắng làm ăn, là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã.
Với mục tiêu không để học sinh nghèo dở dang trong việc học, xã Khánh Trung đã huy động mọi nguồn lực, tiếp sức cho các em học sinh đến trường. Đặc biệt, nhiều suất học bổng có giá trị dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã trở thành chỗ dựa vững chắc, cổ vũ động viên để các em vươn lên trong học tập, rèn luyện trưởng thành. Thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng, Trường tiểu học và THCS Khánh Trung cho biết: "Về công tác khuyến học, khuyến tài, nhà trường cùng ban phát động phong trào khuyến học khuyến tài đã tạo ra động lực để các cháu học tập, đồng thời hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, thấy sự năng động học tập của các cháu có sự thay đổi rất nhiều".
- Lan toả phong trào hiếu học ở vùng cao
Một cá nhân học tập, một gia đình hiếu hoc hay một dòng họ khuyến học là khởi đầu cho những điều tốt đẹp ở mỗi bản làng vùng sâu, vùng xa. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những dòng họ khuyến học xuất hiện ngày càng nhiều ở miền núi, không chỉ mang lại kết quả cho việc học tập mà còn tạo ra những giá trị văn hóa- xã hội ý nghĩa. Họ là những nhân tố đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Ở vùng quê Yên Bái, các dòng họ khuyến học đã mang lại những giá trị trong đời sống của đồng bào.
Những buổi báo công và khen thưởng về thành tích học tập của con em vẫn được dòng họ Nguyễn ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức thường xuyên. Nhờ sự quan tâm của dòng họ, cùng tinh thần hiếu học nên con em dòng họ Nguyễn vẫn luôn tự thấy bản thân cần có trách nhiệm vươn lên trong học tập, kiếm tìm và thu lượm cho mình kho tàng tri thức để phục vụ cuộc sống tương lai. Em Nguyễn Thị Mây, học sinh lớp 11, trường THPT Hưng Khánh, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Cháu rất tự hào về dòng họ của chúng cháu, học sinh như chúng cháu trong dòng họ được quan tâm, đạt được nhiều thành tích".
Ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, dòng họ Nguyễn được biết đến như là điển hình bởi sự thành đạt của nhiều thế hệ thành viên. Trong dòng họ có tới hàng chục cá nhân đã và đang công tác tại các đơn vị của Đảng và Nhà nước. Nhiều con cháu dòng họ Nguyễn thi cử đỗ đạt tại các trường đại học, cao đẳng và là dòng họ có tỷ lệ cao các gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc, kinh tế khá giả ở địa phương. Ông Nguyễn Hồng Quang, trưởng dòng họ Nguyễn, bản Chao xã Việt Hồng cho biết: "Chúng tôi đã khuyến khích động viên con em mình xác định học là bổn phận, nghĩa vụ, là trách nhiệm, là quyền lợi, muốn thay đổi được cuộc sống, muốn xóa đói giảm nghèo, muốn làm người lương thiện, người có ích cho xã hội thì chúng ta chỉ có học thôi. Trước đây quan niệm cứ trẻ em cắp sách đến trường học, nhưng bây giờ tôi là người lớn cũng phải học, học để xóa đói giảm nghèo, học cách làm giàu, trồng cây gì nuôi con gì thì cũng phải học thì mới làm có hiệu quả kinh tế, có thu nhập cao rồi mới tiến tới cuộc sống khá lên".
Dòng họ Nguyễn vốn có truyền thống hiếu học và coi học vấn là đòn bẩy để vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, khuyến học, khuyến tài luôn được dòng họ quan tâm, chăm lo. Trong số 150 gia đình dòng họ Nguyễn thì có tới 130 gia đình là thành viên các chi hội khuyến học. Dòng họ cũng thành lập các ban khuyến học, khuyến tài, xây dựng quy chế góp quỹ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, công tác khuyến học của dòng họ được các thành viên tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Là thành viên trong dòng họ gia đình, ông Nguyễn Văn Luận luôn chấp hành tốt các nội quy, quy chế của dòng họ đề ra. Ông Luận cho rằng học tập chính là điểm khởi đầu cho sự phát triển. Vì thế, mặc dù bận công việc đến đâu, ông vẫn dành thời gian để quan tâm tới việc học hành của con trẻ. Từ sự sát sao của ông mà các con đều học hành tiến bộ và trở thành những công dân tốt có ích cho xã hội. "Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của anh em trong dòng họ chúng tôi động viên con cái ăn học, con tôi cũng được ăn học tới nơi tới chốn"- Ông Luận bày tỏ.
Xã Việt Hồng có 11 dòng họ, trong đó có dòng họ Lê, họ Phạm, họ Hoàng, họ Vũ và họ Nguyễn là những dòng họ đều xây dựng quy ước chung về công tác khuyến học, khuyến tài, nhằm động viên tinh thần học tập của con cháu. Sự phối hợp giữa các dòng họ và nhà trường trên địa bàn được tăng cường thường xuyên, góp phần hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Theo thầy giáo Phạm Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS xã Việt Hồng, đối với hoạt động giáo dục, khuyến học của các chi của dòng họ góp phần rất tích cực vào chất lượng giáo dục trong nhà trường. Các em học sinh bên cạnh việc học tập ở trường thì ở nhà cũng được phụ huynh động viên, quan tâm củng cố, ôn luyện kiến thức. Từ đó, các em có động lực khích lệ vươn lên trong năm học.
Thời gian qua, xã Việt Hồng đã đặt mục tiêu mỗi gia đình dòng họ, cộng đồng xã hội không ngừng nâng cao trách nhiệm và chăm lo nhiều hơn cho công tác giáo dục, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa trong cộng đồng dân cư, dòng họ, doanh nghiệp và nhà hảo tâm nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Triệu Khánh Thiện, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng đánh giá, điều đáng mừng nhất đối với địa phương là đã thể hiện sự đoàn kết, chung tay trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, được lồng gắn thông qua nội dung sinh hoạt và kế hoạch học tập của các dòng họ.
Cũng như nhiều các dòng họ khuyến học khuyến tài ở địa phương, dòng họ Đặng dân tộc Dao, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên cũng là một trong những dòng họ khuyến học tiêu biểu. Với trọng trách là trưởng dòng họ Đặng và là người có uy tín trong cộng đồng, nhiều năm qua, ông Đặng Hồng Quân ở thôn Khe Đát, xã Tân Đồng vẫn miệt mài hướng dẫn và truyền dạy cho con cháu phải biết giữ gìn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những lớp học văn hóa truyền thống được ông Quân tổ chức thường xuyên. Việc làm này nhận được sự ủng hộ của tất cả các gia đình trong dòng họ, không chỉ khuyến khích con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa mà mọi lĩnh vực trong đời sống cũng được học tập và áp dụng, nhằm nâng cao đời sống. Ông Đặng Hồng Quân cho rằng, xây dựng xã hội học tập thì trong dòng họ, gia đình, ông bà bố mẹ dễ quản lý con cháu, đồng thời gắn với xây dựng bản làng, gắn với các mục đích xây dựng nông thôn mới. Còn bà Đặng Thị Hương, người dân thôn Khe Đát cũng chia sẻ, trong các cuộc họp của dòng họ Đặng thường lập ra một số quỹ hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn và các hộ mà có con em đi học đại học hoặc học cấp 3 thì sẽ được hỗ trợ vay.
Không chỉ có ý nghĩa với phong trào học tập của địa phương, việc các dòng họ khuyến học, khuyến tài mở rộng và phát triển còn song hành và đóng góp cho các phong trào giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đây cũng là một trong những nội dung được các cấp chính quyền và hội khuyến học đẩy mạnh trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi lồng gắn với mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, gắn liền với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, để nó phù hợp với sự phát triển. Chúng tôi đưa 15 tiêu chí cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư 41 của Bộ gắn liền với xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu".
Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có 21 hội khuyến học xã, thị trấn, 47 Chi hội khuyến học khối trường học, 43 Chi hội khuyến học cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 190 chi hội khuyến học thôn, bản khu dân phố và 52 ban khuyến học các dòng họ. Hiện nay, các cấp hội khuyến học trong huyện đã thu hút trên 24.000 hội viên tham gia, đạt tỷ lệ là 26 % dân số, quỹ khuyến học của toàn huyện cũng xây dựng được gần 1,8 tỷ đồng. Đây không chỉ là những con số, mà đằng sau đó là cả sự tâm huyết của gia đình, cộng đồng đối với công tác khuyến học. Sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân và chính quyền đã giúp phong trào này vươn lên mạnh mẽ, ngày càng có nhiều hơn những tấm gương sáng trong học tập, công tác. Họ trưởng thành từ phong trào khuyến học của địa phương, đóng góp vào sự phát triển của mảnh đất Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
- Vĩ thanh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Vậy nên, để đảm bảo công bằng trong giáo dục đào tạo, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự ưu tiên ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục phổ cập và các đối tượng đặc thù, đồng thời triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng, để ai cũng được học tập suốt đời, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, con em diện chính sách.
Dòng họ khuyến học, đó không chỉ là câu chuyện về từng cá nhân vươn lên học tập làm chủ tri thức, từng gia đình luôn động viên khuyến khích con cháu học thành tài, mà còn là câu chuyện của cả xã hội, cùng chung tay giúp đỡ những trẻ em nghèo hiếu học, trở thành nhịp cầu nối những ước mơ con trẻ.
Viết bình luận