Trời chuyển đông, sương mù bao phủ, gió hút qua khe núi rít lên từng hồi trong tiếng xào xạc của lá cây rừng lạnh đến thấu xương. Chỉ mới 8 giờ tối, nhưng nhiều gia đình tại các bản làng vùng cao đã cửa đóng, then cài tắt điện đi ngủ. Thế nhưng, sau khi lo cho các con bữa tối, chị Hờ Thị Xuân, 45 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Che Bó, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) cầm vội cái đèn pin và túi thổ cẩm đựng sách vở đến nhà văn hóa giữa bản nơi dạy lớp học xóa mù.
Lúc nhỏ ở bản không có lớp học, cuộc sống lại khó khăn nên chị Xuân không được học chữ mà phải theo bố mẹ đi nương lao động, kiếm cái ăn. Lớn lên một chút tại bản có lớp học thì đã lớn, ngại đến lớp học cùng đám trẻ trong bản. Thế rồi chuyện chồng con, cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền cuốn đi nên chị quên mất mình không biết chữ. Khi thấy thầy, cô về bản mở lớp vào buổi tối, chị đã thu xếp việc nhà để đăng kí học.
Chị Xuân tâm sự: Do sống ở vùng sâu, vùng xa, từ nhỏ tôi không được đi học. Bây giờ thấy thầy, cô về bản mở lớp nên là đăng ký theo học và giờ đã biết đọc và tính toán một số cơ bản. Tôi cũng sẽ cố gắng học xong lớp học này để hiểu biết hơn và cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Nhiều tháng nay, thầy giáo Trần Trọng Tuấn, Trường Tiểu học Phúc Than, huyện Than Uyên đã gắn bó với lớp học xóa mù tại nhà văn hóa bản Che Bó. Đúng 20 giờ, lớp học xóa mù nơi đây lại sáng đèn, hòa vang trong tiếng ê a tập đánh vần của những học viên rất đặc biệt. Để có lớp học đông đủ và sôi nổi như vậy, thầy Tuấn thường có mặt tại bản từ lúc 19 giờ và đến từng nhà thăm hỏi, động viên từng học viên.
Lớp học xóa mù tại bản Che Bó có hơn 20 học viên là phụ nữ dân tộc Mông, đều là lao động chính trong gia đình. Vì vậy, trước khi đến lớp các học viên phải hoàn thành việc ruộng nương, việc nhà rồi mới tranh thủ đến lớp. Do học viên lớp học có nhiều độ tuổi, trình độ nhận thức khác nhau nên thầy Tuấn thường cố gắng lựa chọn những phương pháp phù hợp, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ và hào hứng hơn trong học tập để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần
Thầy Tuấn chia sẻ: Với người Mông ở bản này, mùa này gặt hái đã xong nhưng thảo quả còn rất nhiều. Cái đặc biệt nhất nữa là mùa này những người chồng gần như là đi làm ăn xa hết, thôn bản bây giờ chỉ toàn là phụ nữ. Nhưng học viên rất nhiệt tình, vượt qua những khó khăn để đến lớp, sĩ số của lớp ngày nào cũng đạt gần như 100%. Các thầy, cô mang được con chữ đến cho mọi người, nhất là người đồng bào dân tộc Mông thì cũng dần dần, chứ không thể một sớm một chiều và đây cũng là niềm vui lớn nhất đối với thầy, cô giáo.
Xã Phúc Than, huyện Than Uyên hiện đang duy trì 3 lớp học xóa mù chữ, với hơn 70 học viên, chủ yếu là phụ nữ đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Mặc dù tham gia lớp học có hàng chục học viên ở nhiều độ tuổi, dân tộc, trình độ nhận thức khác nhau, nhưng vì mong mỏi được biết cái chữ, muốn làm chủ cuộc sống; nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù mưa lạnh gió buốt, thậm chí phải mang theo cả con nhỏ, nhưng những học viên ấy vẫn cố gắng đến lớp để theo đuổi con chữ.
Tại các lớp xóa mù, học viên được học môn tiếng Việt và Toán cơ bản, giáo án chương trình học được giáo viên hoàn chỉnh theo nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Chính vì thế sau 3 tháng triển khai, phần đa học viên biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản.
Ngoài dạy chữ tại các lớp học, các thầy cô giáo đã lồng ghép tuyên truyền kiến thức về giới tính, kiến thức pháp luật đến bà con. Để học viên có điều kiện theo học, Trường đã kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết và vật chất khác cho học viên có hoàn cảnh khó khăn:
Thầy giáo Phan Bá Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Than, huyện Than Uyên cho biết, Các học viên ở đây đều từ 40 - 45 tuổi trở lên và trước đây chưa được học bao giờ. Với việc tuyên truyền của chính quyền, thôn bản, tỷ lệ học viên đi học chuyên cần thường xuyên tương đối cao. Học viên ở đây cũng rất muốn học, học để biết chữ, góp phần nâng cao trình độ dân trí của địa phương và góp phần vào thực hiện đề án xóa mù chữ giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và của huyện.
Theo mục tiêu phấn đấu của Ban Chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ huyện Than Uyên, từ nay đến năm 2025, địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Cụ thể sẽ có 11/12 xã, thị trấn đạt chuẩn mức độ 1; 1/12 xã, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 và tỷ lệ người từ 15 đến 60 tuổi biết chữ đạt từ 90% trở lên.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong năm 2022, huyện đã mở 26 lớp xóa mù chữ, với gần 500 học viên tham gia tại 11/12 xã, thị trấn. Các lớp học đồng loạt khai giảng vào tháng 8/2022 và dự kiến kết thúc vào tháng 4 năm 2023.
Để các lớp đạt hiệu quả cao đơn vị đã lựa chọn các thầy, cô giáo phụ trách giảng dạy phải là người có kinh nghiệm, năng lực công tác tốt và biết tiếng đồng bào. Quá trình từ khi khai giảng đến khi bế giảng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các thầy, cô giáo còn có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt vai trò tuyên truyền viên tích cực trong các lĩnh vực tại thôn, bản.
Bà Vũ Thị Kim Lý, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, để triển khai tốt công tác xóa mù chữ, huyện đã chỉ đạo sát sao, tổ chức các cuộc họp và yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác huy động học sinh ra lớp. Huyện cũng hỗ trợ các học viên có hoàn cảnh khó khăn, động viên để học viên tham gia học tập tích cực. Hiện tại các lớp học đang được duy trì tỷ lệ chuyên cần khá cao, đạt được mục tiêu bước đầu đề ra trong công tác xóa mù chữ của huyện.
Hành trình đi tìm con chữ của những học viên trên đỉnh núi gió Than Uyên, tỉnh Lai Châu thật nhọc nhằn, nhưng trong mỗi lớp học là những ánh mắt chan chứa niềm vui khi hướng về con chữ. Họ tranh thủ đến lớp, xong lại vội vã trở về để chuẩn bị cho một ngày quần quật lao động với nương rẫy. Thế nhưng phía sau tiếng đánh vần ê a từng con chữ ấy là niềm tin một tương lai tươi sáng hơn nơi vùng cao Tây Bắc./.
Viết bình luận