Nữ cán bộ dân tộc Xinh Mun nhiệt tình với công tác Hội
Thứ hai, 00:00, 29/05/2017
VOV4.VN - Sau khi tốt nghịêp Đại học Kinh tế nông nghiệp, chị Lò Thị Cương, dân tộc Xinh Mun, trở về quê hương Phiêng Pằn- nơi chị đã sinh ra và lớn lên. Quá trình công tác, sau này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào chung, được bà con tin yêu.

 

Những năm trước, ở bản Xà Cành, xã Phiêng Pằn, nhiều gia đình sinh con thứ 3, tỷ lệ chị em mù chữ và tái mù chữ cao. Nhiều chị em người dân tộc thiểu số không được học hành, không thạo tiếng phổ thông.

 

Làm thế nào để thay đổi tư duy của chị em? Trăn trở với thực trạng ấy, chị Lò Thị Cương và các cán bộ Hội Phụ nữ xã  đã kiên trì đi từng nhà, đến từng Chi hội để vận động chị em tích cực tham gia công tác Hội và tham gia các lớp học xóa mù chữ. Hội Phụ nữ xã lồng ghép nội dung sinh hoạt với việc phổ biến pháp luật, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cung cấp kiến thức về kế hoạch hóa gia đình bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số như tiếng Xinh Mun, Mông, Thái… Mưa dần thấm đất, bây giờ bản Xà Cành đã không còn chị em nào mù chữ; 3 năm nay, bản không có người sinh con thứ 3.

 

Chị Cương triển khai công tác Hội tới chị em hội viên

 

Phiêng Pằn là xã vùng ba, vùng biên giới của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, giáp với nước bạn Lào, kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn. Muốn phong trào tốt thì trước hết đời sống của chị em phải được cải thiện. Nghĩ vậy, bằng kiến thức được học từ trường đại học nông nghiệp, chị đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh ngô, lúa ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Khi đã có kết quả, chị vận động chị em làm theo.

 

Hiện nay, tổng số vốn vay của Hội Phụ nữ xã ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội là gần 5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hội viên nghèo vay đầu tư các mô hình kinh tế gia đình. Chị em cũng phát huy tinh thần tương thân tương ái, người  khá giúp người còn khó khăn. Hội viên phụ nữ xã giờ không còn đói, nghèo giảm nhiều so với trước. Đời sống khá lên, chị em có điều kiện tham gia các hoạt động của hội và vận động người thân thực hiện tốt chính sách dân số-KHH gia đình;  duy trì  “xã, bản không có ma túy”, chấp hành quy chế biên giới, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Theo chị Lò Thị Cương, hiểu, nói được nhiều thứ tiếng dân tộc chính là lợi thế của chị trong quá trình vận động, tập hợp hội viên. Và tuyên truyền miệng cũng là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Vì thế chị học hỏi để hiểu được tiếng Mông, tiếng Thái.

 

Bằng những đóng góp tích cực của mình, nữ cán bộ Lò Thị Cương được bà con tin yêu.

 

 

 

 

Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC