Phòng chống ma túy ở vùng cao
Thứ hai, 00:00, 26/06/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Thực tế nhiều mô hình cai nghiện dựa vào sức mạnh của cộng đồng cho thấy: đấu tranh phòng chống ma tuý- một cuộc chiến khắc nghiệt, dai dẳng sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tham gia của các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân.

 

Tác hại từ cơn lốc tử thần

 

Theo tổng hợp gần đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy tại các tỉnh vùng cao biên giới có quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên. Có tới hơn 70% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi. Trong đó có những địa phương tăng khá cao, như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La...

Tại các tỉnh Tây Bắc, tỷ lệ tái nghiện cao (70- 80%), cũng là tuyến nóng bỏng nhất nước về ma tuý thẩm lậu từ ngoài vào. Các ''điểm nóng'' là khu vực giáp cửa khẩu Pa Háng (Mộc Châu), Cò Nòi (Mai Sơn), Chiềng Khương (Sông Mã- Sơn La), Tây Trang (Điện Biên), Mường Lát, Quan Sơn- Thanh Hóa….

Nghiêm trọng hơn, bọn tội phạm đã lợi dụng, lôi kéo nhiều thanh niên dân tộc ở các xã, bản vùng giáp biên tham gia vận chuyển hoặc bảo kê việc buôn bán ma tuý. Nhiều vụ đối tượng hoạt động táo tợn như đi thành tốp đông mang theo vũ khí; vận chuyển số lượng lớn các chất ma tuý; bọn đầu nậu, các đối tượng bị truy nã hoạt động vừa thông qua trung gian vừa trực tiếp rất liều lĩnh. Ma tuý được để lẫn trong hàng hoá, một số trường hợp lợi dụng việc mua bán nông sản, lâm sản để trà trộn vào. Tội phạm vận chuyển, buôn bán ma tuý thường đi qua những nơi khó kiểm soát ở biên giới và công khai sử dụng xe khách, ô tô, xe máy vận chuyển vào nội địa.

 

Có tới hơn 70% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi. Ảnh có tính chất minh họa

 

Báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện số người nghiện ma tuý nằm rải rác ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các loại tội phạm về mua bán các chất ma tuý ngày càng tinh vi. Lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng buôn bán trái phép chất ma tuý đã dụ dỗ, lôi kéo bà con tổ chức trao đổi, mua bán các chất ma tuý. Nguy hiểm hơn, chúng còn cấu kết với các đối tượng người Lào tổ chức mua bán các chất ma tuý, tạo nên những tụ điểm nóng, phức tạp về ma tuý giữa hai tuyến biên giới....

Để đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy đạt hiệu quả, các địa phương vùng cao biên giới xác định phương châm "chặn cầu bền vững và chặn cung quyết liệt", chủ động, tích cực tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng ma túy, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cai nghiện tại cộng đồng.

 Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay mới được tổ chức với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện”. Tại buổi lễ ra quân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát cụ thể tình hình tệ nạn ma túy ở địa phương; đổi mới giải pháp, khẩn trương thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020. Các xã, phường, thị trấn cần tăng cường quản lý địa bàn, không kỳ thị, phân biệt đối xử đồng thời chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và tìm việc làm hòa nhập cộng đồng.

 

Đấu tranh ma túy từ trong dân

 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện ở các địa phương phổ biến 5 mô hình cai nghiện: cai nghiện tập trung tại các trung tâm giáo dục, mô hình 3 giai đoạn, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, giải quyết các vấn đề sau cai; và cai nghiện thời gian dài tập trung, lấy lao động làm biện pháp trị liệu giáo dục 24 tháng, sau đó chuyển sang cai nghiện từ 2-3 năm. Chính quyền và các đoàn thể vận động nhân dân tham gia xây dựng “Xã không có ma tuý”, phát động phong trào “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người nghiện”, “Đếm từng bản, rà từng diện tích”….

 

Tuyên truyền tác hại của ma túy

 

Không chỉ chú trọng đến công tác phòng chống ma tuý, các tỉnh miền núi, vùng biên giới còn chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện. Các đối tượng sau khi cai nghiện được chính quyền cơ sở theo dõi, giám sát, giúp đỡ, giáo dục để tái hoà nhập. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế để nhân dân trồng, thay thế cây thuốc phiện, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Tại huyện Mai Châu, một trong địa bàn phức tạp, trọng điểm về buôn bán ma túy ở tỉnh Hòa Bình, lực lượng chức năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội kêu gọi người dân tích cực tham gia mô hình Tổ liên gia tự quản để phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Mai Châu, cho biết: Qua mô hình tổ liên gia tự quản, quần chúng nhân dân không những tự phòng, tự quản mà còn ủng hộ lực lượng công an trong việc phát hiện và đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt đối tượng tội phạm ma túy, qua đó phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Từ nhiều năm nay, UBND tỉnh Sơn La đã lồng ghép công tác phòng chống ma túy với các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như: khuyến nông, chăm sóc sức khỏe, xoá mù chữ…; đầu tư 60 tỷ đồng khen thưởng cho các xã không có ma tuý trong 5 năm liền với mức 10 triệu đồng, mỗi thôn bản 5 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình cùng vào cuộc với người nghiện thông qua mô  hình “Phụ nữ giúp chồng con sau cai nghiện”, với nhiều hình thức như vay vốn, giữ quỹ, trò chuyện tâm sự, dành thời gian cho nhau nhiều hơn.

Ở Lào Cai, UBND tỉnh triển khai mô hình cai nghiện với 3 giai đoạn, 2 hình thức.  Hai hình thức là hai Chỉ thị của chính phủ, ba giai đoạn thứ nhất là giai đoạn cắt cơn, giai đoạn quản lý giám sát, tạo việc làm ổn định, hòa nhập tại cộng đồng và gia đình. Giai đoạn 3 là trở về địa phương, chịu quản lý của các hội đoàn thể. Hiệu quả đạt được là 10 năm qua cai và quản lý sau cai, tỷ lệ tái nghiện ở Lào Cai chỉ gần 4%.

Tại thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn- Hà Tĩnh, mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được BĐBP thành lập, do Chủ tịch Hội Phụ nữ xã làm chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể địa phương là thành viên. Đều đặn hàng tháng vào ngày 16 âm lịch, CLB tổ chức sinh hoạt với ba nội dung chính: Chia sẻ khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chăm sóc, tổ chức cai nghiện ma túy tại nhà và tìm ra mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong câu lạc bộ có 12 mô hình kinh tế hộ gia đình, 13 thành viên được hỗ trợ bò giống sinh sản. Cuộc sống của các thành viên ổn định, quỹ vốn hoạt động khoảng 150 triệu đồng. Hơn 70 chuyên án ma túy phá thành công trên địa bàn thời gian qua nhờ thành viên câu lạc bộ cung cấp thông tin.

Tệ nạn ma túy là nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội khác nh­ư: cờ bạc, trộm cắp… ảnh hưởng đến an ninh trật tự các thôn bản vùng cao, biên giới. Bởi vậy, phòng chống ma túy không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Có như thế, mới có thể ngăn ngừa tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng các xã vùng cao biên giới vững về an ninh chính trị, mạnh về kinh tế xã hội.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC