Khu nội trú và nhà ăn của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Đông Giang, tỉnh Quảng Nam vừa mới được xây dựng và nâng cấp sửa chữa khá khang trang. Buổi sáng, các cô nuôi đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho học sinh. Nhà trường nuôi dạy 277 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Toàn bộ học sinh đều ở nội trú trong suốt năm học, mỗi năm chỉ về nhà vài lần vào dịp lễ. Tết hoặc khi nhà có việc đột xuất.
Ngày nào cũng vậy, các thành viên trong Ban Giám hiệu nhà trường đi kiểm tra nhà bếp, nhà ăn, phòng ở sinh hoạt của học sinh. Thầy giáo Bùi Thành Chung, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Đông Giang, tỉnh Quảng Nam khoe rằng, mới đây, từ nguồn vốn Tiểu Dự án 1 của Dự án 5 Chương trình tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường được cấp phí mua tủ đông để bảo quản thực phẩm tươi, tủ đựng thực phẩm chính, giá treo quần áo, kệ để chén bát của học sinh và bàn ghế học sinh. Trước đây, nhà bếp chưa có tủ đông, thực phẩm mua về phải chế biến ngay trong buổi sáng để dành ăn luôn cả ngày. Bây giờ, thức ăn được bảo quan ở tủ đông rất tiện lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhà trường đang làm thủ tục để tiếp nhận thêm một số trang thiết bị như ti vi phục vụ dạy học, giường ngủ học sinh, tủ đựng quần áo, máy nóng lạnh để học sinh tắm vào mùa đông…, đảm bảo cho học sinh ăn ở, sinh hoạt và học tập.
“Các em học sinh nội trú ở 100 % tại trường. Dự án này là hiệu quả rất cao, cải thiện được điều kiện ăn ở, sinh hoạt của học sinh. Về phía nhà trường thì cũng mong muốn các cấp quan tâm đến vấn đề ăn ở cho học sinh nội trú. Nhà trường luôn duy trì đảm bảo không có trường hợp bỏ học giữa chừng và chất lượng giáo dục của trường duy trì tốt trong những năm qua” - Thầy giáo Bùi Thành Chung cho biết.
Đông Giang là một trong các huyện miền núi nghèo ở tỉnh Quảng Nam. Từ nhiều nguồn khác nhau, hàng năm, huyện ưu tiên đầu tư sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học, cơ bản xóa trường lớp tranh, tre, nứa, lá hoặc gỗ. Tuy nhiên, nhiều trường học, khu nội trú học sinh được xây dựng quá lâu, nay đã xuống cấp. Từ nguồn vốn của Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện đã đầu tư nâng cấp sửa chữa, mua sắm thiết bị dạy học và phục vụ ăn ở sinh hoạt cho 4 trường học có học sinh nội trú và bán trú. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Thời gian tới, UBND huyện Đông Giang sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho Phòng Giáo dục và Đào tạo 2 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các trường còn lại.
“Hầu hết các trang thiết bị mua sắm là rất thiết thực, các em rất cần. Nhu cầu lớn nhất hiện nay là phòng ở, có trường đã xây dựng lâu rồi cần sửa chữa lại cho kiên cố, khang trang” - Ông Nguyễn Văn Lê nói.
Năm 2024, huyện miền núi Đông Giang được tỉnh Quảng Nam phân bổ hơn 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục đầu tư cho giáo dục. UBND huyện đã ban hành “Đề án nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia”, cần nguồn kinh phí khoảng 86 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Nhu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì cần nguồn vốn lớn, tại vì liên quan tới nhiều yếu tố, do yếu tố lịch sử về xây dựng trường học chưa đồng bộ. Hiện nay, huyện đang triển khai Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều cái mới. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện thì nguồn vốn để đảm bảo theo tiêu chí số 3 của Thông tư này về cở sở vật chất là quá lớn. Nếu đầu tư hoàn thiện và duy trì cần hơn 86 tỷ đồng. Đông Giang là một huyện nghèo nên rất cần sự đầu tư về phía nhà nước”.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Nam hiện nay có 199 trường học. Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã đóng góp lớn cho việc đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, các phòng học bộ môn, trang thiết bị ở một số trường chưa đảm bảo theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình giảm dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục của các huyện miền núi so với khu vực đồng bằng. Theo đó, tỉnh này đầu tư sắp xếp và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quy định, đảm bảo an toàn phòng tránh thiên tai; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu.
Đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng 53 công trình trường học. Nguồn vốn chương trình được phân bổ cho Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện thực hiện; trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo được phân bổ hơn 12 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 4 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc. Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tiếp tục củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia:
“Ngành Giáo dục thực hiện một số chính sách của nhà nước, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách về khu vực biên giới và một số chính sách khác để hỗ trợ các nhà trường trong khu vực này. Nhành đã phối hợp với địa phương sắp xếp, bố trí lại các trường, điểm trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực này, nhất là phù hợp với điều kiện bố trí dân cư ở khu vực miền núi" - Ông Thái Viết Tường nói./.
Viết bình luận