(VOV) - Ok om bok - Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ. Tại tỉnh Sóc Trăng, chỉ còn hơn 1 tuần nữa lễ hội sẽ diễn ra. Các chùa Khmer có ghe Ngo đang ra sức tập luyện để chuẩn bị tốt nhất cho hội đua truyền thống này.
Khoảng 1 tháng qua, buổi chiều, tại chùa Pô Pús Tức, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, luôn nhộn nhịp. Hàng trăm phật tử cùng hàng chục vận động viên bơi ghe Ngo tụ về cổ vũ và luyện tập.
Ông Trần Văn, đại diện chùa Pô Pús Tức, cho biết hơn 100 năm được xây dựng, đây là lần đầu tiên chùa đóng chiếc ghe Ngo mới để tham dự lễ hội Ok om bok – Đua ghe Ngo. Vì vậy, bổn chùa và bà con phật tử rất phấn khởi:
“Từ xưa tới giờ thì chùa không ghe Ngo. Trước đây, phật tử còn khó khăn lắm. Sau này được nhà nước giúp đỡ, có chương trình 135, nhờ đó mà bà con làm ăn khấm khá hơn chút, rồi cùng nhau đóng góp lại để đóng ghe mới. Có ghe ngo mới, anh em có tinh thần dữ lắm, bà con vui mừng lắm, vì mình chưa từng có, năm nay có ghe để đi thi đấu với đội bạn”.
Ghe Ngo vừa đóng mới chuẩn bị tham gia lễ hội Ok om bok - Đua ghe Ngo 2016
Vào rằm tháng 10 hàng năm, đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Ok om bok gắn với hội đua ghe Ngo truyền thống. Đối với bà con Khmer, mỗi dịp lễ Ok om bok – Đua ghe Ngo, dù bận rộn mưu sinh, bà con vẫn dành thời gian để tham gia. Điều này cũng dễ hiểu, bởi xưa nay, chiếc ghe Ngo là đại diện cho một ngôi chùa, một phum sóc.
Lễ hội Ok om bok - Đua ghe Ngo là ngày hội văn hóa – thể thao – du lịch, mang tính đặc trưng để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Sóc Trăng; trong đó, đua ghe Ngo là hoạt động trọng tâm.
Theo ông lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, hội đua ghe Ngo năm nay sẽ diễn ra trong ngày 13 -14/11. Đến nay đã có 50 ghe Ngo nam, nữ đăng ký tham gia, trong đó, có nhiều ghe của tỉnh bạn như Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang...
Các đội ghe Ngo tích cực tập luyện
Trong lễ hội Ok om bok còn có các lễ hội dân gian như Cúng Trăng, thả đèn nước. Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức phục dựng lại chiếc ghe Cà Hâu của đồng bào Khmer. Đây là ghe có chức năng làm nhiệm vụ hậu cần, chở các vị sư sãi, dàn ngũ âm, vận động viên và thực phẩm phục vụ ghe Ngo các chùa trong những ngày tham gia lễ hội, mà gần đây không còn.
Ông Lý Bình Cang cho biết: “Theo tôi biết thì khoảng 20 năm nay thì mình bỏ trống cái này, cho nên nhiều ghe Cà Hâu của các chùa xuống cấp, thậm chí là không còn nữa. Chúng tôi đã phối hợp với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Tiểu ban lễ hội dân gian và đua ghe Ngo cho phép năm nay phục dựng lại chiếc ghe Cà Hâu”.
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận