Sóc Trăng: Quan tâm tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ tư, 10:54, 07/02/2024 Thạch Hồng/VOV ĐBSCL Thạch Hồng/VOV ĐBSCL
VOV4.VOV.VN - Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cách đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tế. Qua đó, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp bà con trang bị được các kỹ năng, kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt, có thêm tay nghề, thu nhập. Từ đó bà con vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình.

 

Cuối năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề kết hợp với xã Trung Bình tổ chức lớp học nghề chăn nuôi gà tại ấp Bưng Lức với 18 học viên, tất cả bà con đều là dân tộc Khmer.

Tại lớp học, người dân được trang bị những kiến thức trong chăm sóc gà từ khâu chuẩn bị, xây dựng chuồng trại, thức ăn, tiêm phòng đến cách nhận biết các loại bệnh ở gà… Từ đó giúp cho bà con biết được cách chăn nuôi gà hiệu quả, mang lại thu nhập cho gia đình. 

Anh Lâm Hol ở ấp Bưng Lức, tham gia lớp học chia sẻ: "Huyện Trần Đề có xuống hướng dẫn cho bà con dân tộc Khmer về kỹ thuật chăn nuôi. Khi học xong mình nắm được cách chăm sóc gà rồi thì mình mua gà về nuôi. Tôi dự định ban đầu nuôi thử 100 con, sau đó sẽ mở rộng thêm".

Do tính đặc thù của vùng nông thôn là trồng trọt, chăn nuôi nên việc đào tạo nghề cho lao động nơi đây phải có những cách thức tổ chức phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Hộ gia đình chị Lý Thị Liễu sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi gà, vịt. Trước đây, do thiếu kỹ thuật nên việc nuôi gà của gia đình thường xuyên thất bại. Từ khi tham gia lớp học chăn nuôi gà và áp dụng vào thực tế, đàn gà của chị phát triển tốt, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế.

Chị Liễu, cho biết: "Trung tâm hỗ trợ 50 con gà, tôi mua thêm 30 con nữa, khi nắm được kỹ thuật rồi, tôi thấy nuôi cũng dễ. Giờ nuôi  80 con này trước, khi có hiệu quả mình sẽ phát triển thêm".

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho bà con vì vậy mà tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm.

Phường 2, thị xã Vĩnh Châu chủ yếu là đồng bào Khmer sinh sống. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, người dân mong muốn được đào tạo những nghề thiết yếu phục vụ cho sản xuất hằng ngày của gia đình, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu đã mở lớp đào tạo nghề đan giỏ nhựa cho bà con trong khóm Soài Côn. Thông qua lớp đào tạo nghề, người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bà Tăng Thị Sà Vol chia sẻ, việc tổ chức lớp học ngay tại khóm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia. Đặc biệt, vừa được học nghề, các chị em còn được hỗ trợ tiền 30.000 đồng/ngày. 

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Sóc Trăng luôn có sự đổi mới, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ nhận thức của người dân.

Với việc dạy nghề theo nhu cầu để ứng dụng thiết thực vào sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân đã giúp bà con nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn ngay tại gia đình. Qua đó, từng bước giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trong năm ngoái, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 17.540 người, đạt gần 110 % theo kế hoạch. Đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 29.400 lao động, đạt hơn 105% kế hoạch. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm trong năm là 2%; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer là hơn 3%.

Theo ông Trần Nhuận Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu, Vĩnh Châu là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất của tỉnh Sóc Trăng, dân tộc Khmer chiếm hơn 52,5%, dân tộc Hoa chiếm hơn 17 % dân số toàn thị xã. Từ việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đã giúp cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước khởi sắc.

"Chúng tôi phối hợp với xã phường các trường học trên địa bàn thị xã tổ chức tuyển sinh để đào tạo tại địa phương, học sinh thì mình dạy tại trường, còn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì mình dạy tại các khóm, ấp, có nhu cầu thì chúng tôi sẽ cử giáo viên xuống dạy. Đầu năm là chúng tôi sẽ mời lãnh đạo các địa phương xã, phường lên nắm nhu cầu, sau đó chúng tôi sẽ đưa ra một số danh mục mà sở đã phê duyệt, cho xã đăng ký, rồi người dân mình chọn nghề phù hợp, chúng tôi sẽ xuống tổ chức triển khai". - Ông Trần Nhuận Thanh Liêm cho biết thêm.

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa, đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đặt mục tiêu trong năm nay sẽ giải quyết việc làm mới khoảng 28.000 - 30.000 lao động và đào tạo nghề cho khoảng 16.000 – 18.000 lao động.

Thạch Hồng/VOV ĐBSCL

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC