Dần xóa bỏ hủ tục “Tang 4 ngày, ngủ đất 12 ngày”
“Đám tang ngày xưa các cụ để lâu ngày, 3 ngày, thậm chí 4 ngày. Người ta có quan điểm phải để lâu ngày mới có hiếu. Tất cả con cháu phải ngủ dưới nền chứ không được lên giường ngủ như bình thường đâu, ăn uống cũng xung quanh quan tài. Tất nhiên là rất tốn kém, có gia đình khó khăn quá là mắc nợ đấy”. Mỗi khi trong bản có người qua đời, anh Chu Văn Quy (thôn Nà Luông, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) lại nhớ về những đám ma ngày trước. Sợ phạm ngày “sí coóc” (tứ hành xung), lại chờ ngày đẹp nên bao đời nay, người Tày ở đây phải nhờ thầy cúng, thầy mo chọn giờ lành mới đưa đi chôn. Có dòng họ kiêng đủ 12 ngày, con cháu cứ ngủ dưới nền nhà để tỏ lòng tôn kính, thương tiếc người đã khuất. Mà đâu phải mỗi Lục Hồn, nhiều bản ở khắp rẻo cao Bình Liêu này đều như thế, “người ta cứ nhìn nhau mà học, mà theo thôi”.
Ấy thế mà vài năm về đây, chẳng còn ai để thi hài người thân quá 2 ngày trong nhà nữa. Bà con làng xóm cùng xúm vào giúp, phúng viếng bằng tiền mặt để gia chủ tiện bố trí việc tang ma, không rải tiền, vàng mã tới tận nơi mai táng... Người đi đầu xoá bỏ những hủ tục không còn phù hợp đó lại chính là các ông thầy cúng, mà tiên phong ở Nà Luông là thầy cúng Bế Văn Mản.
“Chỉ 48 tiếng đổ lại là tang ma xong xuôi hết, như vậy vừa tiết kiệm, vừa văn minh hơn”, anh Chu Văn Quy chia sẻ. Người Tày cũng thế, người Dao, người Sán Chỉ cũng vậy. Dân bản đều tin tưởng vào các thầy mo thầy cúng. Họ giúp gia đình từ việc hiếu đến việc hỷ, họ từng trải, lời nói uy tín thuyết phục được mọi người.
Tháng 7/2020, thầy cúng Bế Văn Mản cùng với 55 người khác là các thầy cúng, thầy mo, bà then ở xã Lục Hồn cùng tham gia mô hình “Phát huy vai trò của thầy cúng, thầy mo trong tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở” gắn với xoá bỏ tập quán lạc hậu trên địa bàn. Mô hình do Công an huyện tham mưu Huyện uỷ Bình Liêu xây dựng, xuất phát từ thực tế vẫn còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu “ăn sâu” trong nếp nghĩ của bà con, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sản xuất, tốn kém về kinh tế, mất an ninh trật tự xã hội.
Gần 30 năm làm thầy cúng, ông Bế Văn Mản hiểu hơn ai hết những khó khăn mà các hủ tục mang lại. Vì thế khi huyện vận động, ông tự nguyện tham gia ngay, lại được các đoàn thể hỗ trợ cùng tuyên truyền tới từng nhà, từng ngõ. Dù được bà con tin tưởng, nhưng việc thuyết phục cũng cần “mưa dầm thấm lâu”, phải vận động từ già làng tới trưởng họ, trưởng bản. Ông Mản kể: “Nhiều lúc làm đám ma, có gia đình còn cổ hủ bảo là chưa phù hợp, nhưng khi tôi bảo đã xem được giờ tốt và giải thích thì nhân dân đều nghe. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, chính quyền, tôi cũng tham gia tuyên truyền cho bà con bằng nhiều hình thức. Không phải riêng khi họp hành đâu, lúc thì đi giao lưu, văn nghệ, lúc thì được mời đi cầu phúc cầu lộc tôi đều vận động đề nghị bà con, mọi người đều tích cực đồng thuận cả”.
Đời sống văn minh, an ninh đảm bảo tốt hơn
Bà then Trần Thị Liên (thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn) kể: Giờ chẳng còn ai quan niệm “nhà có bao người phải mổ từng ấy con gà, con lợn” nữa. Những lần đi làm then giải hạn, các bài cúng của bà ngắn gọn hơn, nhưng vẫn đảm bảo giữ nét truyền thống của nghi lễ. “Mình đi lấy hoa chuối, đu đủ về, mình bảo là hoa chuối là con gà thiến, đu đủ là con lợn to, như vậy đều đủ đầy mà không tốn kém. Nhờ thế mà những nhà khó khăn họ cũng làm được, để cầu năm mới làm ăn mạnh khoẻ hơn, sức khoẻ dồi dào hơn”, bà Liên vui vẻ.
Sau 3 năm triển khai mô hình, đời sống đồng bào các dân tộc ở Lục Hồn đã có những chuyển biến đáng kể. Đám cưới không thách cao, không làm quá linh đình, không phát thịt chia phần cho mỗi người không đến được. Người Tày không tang ma lâu, thì người Dao cũng làm Cấp sắc nhanh gọn. Ai ốm đau, sẽ không mời thầy “bắt ma” mà bà con bảo nhau phải sớm “bắt xe” tới bệnh viện, trạm xá. Tình trạng tảo hôn cũng chỉ còn một vài trường hợp. Trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Lục Hồn nhanh chóng vận động người dân hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin, dù có nhiều thôn bản xa xôi, khó khăn.
Đặc biệt, không chỉ gói gọn trong đời sống tâm linh, các thầy cúng, thầy mo, bà then cũng có vai trò lớn trong phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Đặng Văn Bảo (thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn) cho biết: Vừa là thầy cúng, vừa là trưởng họ, ông linh hoạt qua việc truyền dạy nghi lễ để trao đổi, nắm bắt tâm tư người Dao Thanh Y ở bản mình: “Chúng tôi luôn luôn trao đổi với các dòng họ Đặng, Lý, Phùn, phối hợp công an tuyên truyền về pháp luật, thường xuyên nhắc nhở các cháu phải chăm chỉ học hành, không nên đi theo những người làm ăn trộm cắp, Tết đến không đốt pháo, giao nộp vũ khí vật liệu nổ... Đặc biệt ở Ngàn Chuồng không có vi phạm về ma tuý”.
Vận động người dân trong giải phóng mặt bằng, 3 năm qua Lục Hồn không có khiếu kiện tranh chấp. Người dân chủ động trong cung cấp thông tin xuất cảnh trái phép, tố giác tội phạm, giúp lực lượng công an bắt giữ, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc… Từ hiệu quả bước đầu, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ huyện Bình Liêu đã tổ chức sơ kết mô hình, định hướng để khắc phục các tồn tại, tiếp tục thực hiện tốt thời gian tới.
Thượng tá Phạm Văn Khánh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Trưởng Công an huyện Bình Liêu khẳng định: Mô hình hiện đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn trong phạm vi toàn huyện. “Chúng tôi tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh trong việc triển khai lực lượng bám sát địa bàn. Lực lượng công an thường xuyên tích cực đồng hành cùng nhân dân tham gia các phong trào nhân dân tự quản về ANTT, tăng cường sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, đảm bảo xử lý giải quyết các vấn đề ANTT ngay từ cơ sở”, Thượng tá Khánh cho biết.
Từ một huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, đến nay Bình Liêu đã hoàn thành chương trình 135, đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 2 xã Nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đời sống KT-XH nâng lên về mọi mặt. Những năm gần đây, Bình Liêu ngày càng được biết đến nhiều hơn, nhờ cảnh quan thiên nhiên biên giới hùng vĩ và văn hoá đa dạng, giàu bản sắc. Đó cũng là nền tảng để Bình Liêu tiếp tục phát huy vai trò của hơn 200 thầy cúng, thầy Mo, bà Then trên địa bàn, như lời chia sẻ trong niềm tự hào của ông Bế Văn Mản: “Thầy mo thầy cúng không phải là mê tín, mà là những người giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, góp phần xây dựng văn hoá, duy trì bản sắc dân tộc ngày một tốt hơn, đẹp hơn”./.
Viết bình luận