Khởi nghiệp ở tuổi 50 với mô hình nuôi ốc nhồi
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, ông Lô Văn Thế 53 tuổi, ở xã Thanh Tân huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, luôn nung nấu ý chí thoát nghèo. Sau khi xây dựng gia đình, ông Thế bắt đầu ngược xuôi trên chiếc xe máy cà tàng, buôn rau củ từ Nghệ An về Thanh Hóa, kiếm tiền nuôi các con học hành.
Mãi tới đầu năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người đàn ông người dân tộc Thái mới tạm dừng công việc buôn bán. Lúc này, ông Thế tình cờ được người quen giới thiệu về mô hình nuôi ốc nhồi.
“Thấy mô hình phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, tôi bắt đầu tìm hiểu về cách thức nuôi ốc nhồi. Có lần tôi hì hục chạy xe máy vào trong tận Nghệ An, rồi lại vòng ra huyện Hà Trung, Nông Cống, Quảng Xương (Thanh Hóa), tìm hiểu về mô hình nuôi ốc nhồi của những gia đình đã nuôi thành công”, ông Thế bộc bạch.
Sau nhiều tháng tìm hiểu, ông Thế quyết định nuôi thử nghiệm. Quyết là làm, ông bắt đầu đào hố trong vườn nhà, mua bạt lớn lót phía trên tạo thành ao nổi. Khi mọi công đoạn xong xuôi, ông bà mua khoảng 1 vạn ốc giống về thả và tận dụng nguồn thức ăn dồi dào sẵn có ở địa phương như bèo trứng, dọc mùng cho ốc ăn hàng ngày.
“Gần 4 tháng nuôi thử nghiệm, vợ chồng tôi phấn khởi bán lứa ốc đầu tiên, với giá trung bình khoảng 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, lãi khoảng 12 triệu đồng”, ông Thế hồ hởi chia sẻ.
Nhận thấy mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn trồng cây lúa, nhưng việc nuôi ốc trong ao nổi cũng tồn tại nhiều hạn chế. Quá trình nuôi ốc phải thay nước thường xuyên, mật độ ốc dày đặc lâu ngày cũng sinh bệnh.
Được sự hậu thuẫn từ gia đình, ông Thế mạnh tay vay vốn ngân hàng mở rộng quy mô nuôi ốc nhồi. Ban đầu, vợ chồng ông dự định kết hợp nuôi ốc và trồng lúa, tăng thu nhập cho gia đình.
Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, ông Thế nhận thấy, việc kết hợp này không khả thi. Bởi, quá trình đưa máy gặt xuống ruộng có thể làm ốc chết, ngoài ra lượng rơm rạ mục nát có thể gây ô nhiễm nguồn nước...
“Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chỉ để lại 2 sào cấy lúa lấy gạo ăn. Với 6 sào ruộng còn lại, vợ chồng tôi cải tạo thành ao nuôi ốc nhồi”, ông Thế nói.
Thời gian rảnh, ông Thế chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi tại địa phương và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi ốc. Theo ông Thế, nuôi ốc nhồi không mất nhiều thời gian, nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật chăm sóc, ổn định được nguồn nước hạn chế ốc chết do bị sốc nước. Sau khoảng 4-5 tháng, ốc sẽ bắt đầu cho thu hoạch.
Sống khỏe ở tuổi xế chiều nhờ ốc nhồi
Nhờ hướng đi đúng đắn, cùng với sự nỗ lực, đến nay vợ chồng ông Thế đã cải tạo những thửa ruộng kém hiệu quả thành 5 sào mặt nước nuôi ốc nhồi, tương đương với diện tích khoảng 2.500m2.
Ngoài cung cấp ốc thương phẩm cho các quán ăn, nhà hàng,... vợ chồng ông Thế còn nghiên cứu thành công kỹ thuật ấp trứng, ươm phôi ốc giống khỏe, ít dịch bệnh. Dự kiến hết năm nay, gia đình sẽ đẩy mạnh bán ốc giống.
Hiện tại, mô hình nuôi ốc nhồi đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.
Là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi ốc nhồi tại địa phương, đến nay ông Thế còn hỗ trợ nhiều hộ gia đình mạnh dạn làm giàu từ mô hình này. Ông Thế khoe, thời gian gần đây cũng có nhiều người dân tại địa phương và các nơi khác đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc nhồi.
Theo ông Thế, để nuôi ốc nhồi hiệu quả, trước hết cần chủ động được nguồn nước. Bởi, nếu lấy nước từ ruộng có nguy cơ cao nhiễm thuốc trừ sâu, phân gà... Ngoài ra, cần thường xuyên để ý tới nguồn thức ăn, tránh trường hợp thức ăn không đảm bảo có thể khiến ốc dễ mắc bệnh sưng vòi.
“Đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi ốc, năm nay vợ chồng tôi mua bạt bọc quanh bờ nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Trên mặt ao, tôi trồng thêm dọc mùng hoặc thả bèo cám vừa tạo bóng mát vừa cung cấp nguồn thức ăn cho ốc”, ông Thế chia sẻ thêm.
Ở độ tuổi ngoài 50, vợ chồng ông không chỉ “sống khỏe” nhờ mô hình nuôi ốc nhồi, mà còn phần nào hỗ trợ cho các con về mặt kinh tế. Theo bà Lê Thị Nhung, Chủ tịch hội Nông dân xã Thanh Tân, trước khi phát triển mô hình này, vợ chồng ông Thế từng tìm nhiều hướng phát triển kinh tế, từ buôn trái cây đến nuôi cá,... Ít năm gần đây, ông Thế đã cải tạo ao nuôi cá và mấy sào ruộng thành ao nuôi ốc nhồi.
"Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc nhân rộng cũng gặp khó khăn do phụ thuộc vào diện tích ao nuôi, quá trình chăm sóc cũng nhiều rủi ro.
Hiện, trên địa bàn toàn xã có khoảng 5 mô hình nuôi ốc nhồi quy mô lớn, còn lại mới nhen nhóm, và chủ yếu là nuôi ốc thịt. Thời gian qua, hội Nông dân xã cũng phối hợp với huyện tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi cho bà con", bà Nhung thông tin./.
Viết bình luận