Y tế cơ sở: Phòng bệnh trước, chống sau
Thứ năm, 00:00, 21/07/2016

(VOV4) - Đi lại khó khăn, trang thiết bị y tế khu vực miền núi, vùng cao còn nhiều hạn chế, vậy nên giải pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng các loại bệnh.




 

Ngoài công việc bận rộn ở bệnh viện tỉnh Đắc Lắc, bác sĩ H’Vinh Niê, Trưởng khoa Sản, hàng tháng vẫn sắp xếp thời gian cùng Đoàn thanh niên đi chữa bệnh lưu động cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Qua những đợt tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số, chị em đã biết đến gói đẻ sạch, biết các phương pháp tránh thai. Bác sĩ H'Vinh còn trực tiếp phụ trách việc khám nha khoa học đường cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

 

Bác sĩ H’Vinh Niê nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt trong cách nghĩ của đồng bào trong vài năm gần đây: “Đồng bào vùng sâu vùng xa, về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận của họ với thông tin y tế ít, nhưng ngày nay Nhà nước có chính sách y tế cộng đồng, y tế thôn bản nên sự tuyên truyền y tế đến với đồng bào rất nhiều. Họ đến trạm y tế khám chữa bệnh, mời các bà đỡ thôn bản đến đỡ đẻ, biết sử dụng các phương pháp tránh thai, đó là điều rất tiến bộ trong đồng bào thiểu số của Tây Nguyên. Họ không cúng bái như ngày xưa nữa, đồng bào đau ốm đã tới trạm, tới bệnh viện rồi”.

 

 

Khi bị bệnh, đồng bào đã chủ động đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Ảnh:baomoi.com

 

Theo đánh giá của các thầy thuốc tuyến cơ sở, tuyên truyền lưu động ngoại viện là phương pháp phòng chống bệnh tật hiệu quả nhất. Trạm y tế xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thường xuyên tổ chức giám sát dịch, đi khám. Nhờ đó mà xã cơ bản đã xóa được ký sinh trùng sốt rét. Đây là hiệu quả của sự kết hợp dân y với quân y Đoàn Kinh tế quốc phòng 313 và đồn biên phòng Thanh Thủy. Mỗi khi có dịch, cả ba đơn vị đều cử người giám sát chặt chẽ, phối hợp khám, chữa các loại bệnh khác.

 

Anh Nguyễn Hồng Năm, phó trạm trưởng trạm y tế xã Lao Chải, Vị Xuyên, Hà Giang, cho biết: “Ở đây chủ yếu phòng chống dịch là chính, như tiêu chảy, virus…Mấy năm nay do công tác tuyên truyền tốt nên không có nữa. Mình kết hợp với ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân cùng xã xuống tận thôn bản áp dụng các biện pháp tránh thai, phòng chống dịch bệnh. Bà con giờ đã biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, biết ra trạm lấy thuốc”.

 

Để khắc phục rào cản không biết nhiều tiếng dân tộc thiểu số, nhân viên y tế xuống cơ sở thường dựa vào lực lượng y tá thôn bản, trưởng thôn cùng phối hợp vận động bà con. Chính những cán bộ y tế cơ sở mới hiểu rõ nhất nguyện vọng của bà con. Như ở trạm y tế xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, các y sĩ thường xuyên kết hợp với tuyến y tế tỉnh, huyện tổ chức một năm 2 lần chia nhóm, vào từng nhà khám bệnh định kỳ cho đồng bào, vận động người có bệnh nặng chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời. Không chỉ tổ chức những đợt dập dịch như sốt xuất huyết, cúm H5N1 … mà hàng tháng, các thầy thuốc tuyến cơ sở vẫn xuống từng thôn bản, phun thuốc diệt muỗi, soi loăng quăng.

 

Những nỗ lực của các y - bác sĩ tuyến cơ sở đều nhằm mục tiêu tăng khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số với các dịch vụ y tế cơ bản.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC