Việt Nam hiện có 16 dân tộc rất ít người, với số dân dưới 10.000 người, bao gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ngái, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Lô Lô, Mảng, Lự, Chứt, Pà Thẻn, La Ha, La Hủ.
Đây là những dân tộc có điều kiện sống vô cùng khó khăn, địa bàn sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo cao, khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, nhiều dân tộc bị mai một văn hóa truyền thống. Có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí mất hẳn. Việc bảo tồn khẩn cấp về văn hóa cũng như đầu tư, hỗ trợ phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc có số dân dưới 10.000 người vì vậy là hết sức cần thiết.
(Người Ngái ngày nay làm nhiều nghề để phát triển kinh tế gia đình- Ảnh: VOV)
Dân tộc Ngái có nhiều tên gọi như Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Hẹ, Sín, Ðản, Lê, Xuyến. Trong cộng đồng 54 dân tộc thì dân tộc Ngái là một cộng đồng rất ít người. Người Ngái ở Việt Nam có khoảng 1035 người, sinh sống ở 27 tỉnh, thành phố. Người Ngái thường tự gọi là “sán ngái” nghĩa là “người miền núi”. Tên gọi ấy không chỉ mang hàm ý về địa hình sinh sống mà còn như lời khẳng định rằng dân tộc mình là một trong những nhóm người có công khai phá, dựng xây nên các bản làng trên vùng cao.
(Kiến trúc nhà ở truyền thống của người Ngái - Ảnh: VOV)
Theo nhiều tài liệu dân tộc học, người Ngái ở Việt Nam có nguồn gốc từ người Hẹ, hay người Khách Gia ở Phúc Kiến, Quảng Đông-Trung Quốc. Họ di cư theo đường biển vào Quảng Ninh, Hải Phòng từ nhiều thế kỷ trước. Người Ngái tuy số lượng ít nhưng có diện phân bố khá rộng. Bộ phận lớn sinh sống trong nội địa thường lấy việc trồng lúa nước làm nguồn sống chính. Bộ phận ở ven biển và hải đảo sống bằng nghề đánh cá là chủ yếu. Địa bàn sinh sống chủ yếu của Người Ngái là tại các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Họ ở nhà đất với nhiều kiểu kiến trúc và chất liệu lợp mái khác nhau. Bộ phận ở ven biển và hải đảo thường sống ngay trên thuyền. Trong phong tục cưới xin, người Ngái tuân thủ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Nghi thức cưới xin của hai vợ chồng trẻ phải trải qua hai lần. Lần đầu là lễ thành hôn, lần sau là lễ nhập phòng. Sau đám cưới, cô dâu về ở nhà chồng./.
Viết bình luận