Không mời thầy cúng, đồng bào vùng cao Yên Bái đã tìm đến bác sỹ khi có bệnh
Thứ sáu, 08:29, 26/02/2021 vp biên tập vp biên tập
VOV4.VN - Đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Yên Bái trước đây khi ốm đau thường tự ở nhà điều trị theo kinh nghiệm, hoặc mời thầy mo, thầy cúng về cúng chữa bệnh. Thế nhưng, giờ đây, mỗi khi đau ốm, đồng bào đã nghĩ ngay đến các y, bác sỹ và đưa nhau đến bệnh viện để được khám, điều trị. Nỗ lực của những thầy thuốc vùng cao, cùng sự quan tâm của Nhà nước đối với y tế vùng khó khăn đã tạo nên những thay đổi này trong cách nghĩ của đồng bào.

 Bà Giàng Thị Dở ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái khi đến Trung tâm Y tế huyện nhà để điều trị nhiều chứng bệnh của tuổi già. Cũng giống như phần lớn các bệnh nhân khác, bà Dở đã sớm lành bệnh và trở về nhà trong niềm vui của người thân. Như ngày xưa nếu bệnh là con cháu bà sẽ gọi thầy cúng, thầy mo về làm lễ, tốn kém trăm bề mà bệnh tình thì chẳng thuyên giảm. Giờ đây, trạm y tế huyện là địa chỉ đỏ của bà con trong toàn huyện, bởi đến đây bà con được thăm khám bài bản, khoa học và được điều trị hiệu quả.. Nhận thức của bà Dở nói riêng và đồng bào vùng cao Yên Bái nói chung có những thay đổi như vậy là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sỹ nơi đây. Vừa học tập, nâng cao trình độ tay nghề, họ vừa bền bỉ gắn bó, tuyên truyền đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số những kiến thức về chăm sóc sức khỏe theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Đồng bào vùng cao khám chữa bệnh ở Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu.

Bác sỹ Cứ A Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã gắn bó với huyện vùng cao nghèo khó bậc nhất cả nước này gần 40 năm nay. Theo anh, để hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người thầy thuốc là đến với bà con. Ở Trung tâm Y tế huyện, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì các cán bộ, y, bác sỹ đều không quên sắp xếp thời gian để lặn lội lên các thôn bản, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của đồng bào các dân tộc về phòng chống dịch bệnh, ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa, môi trường và nhất thiết phải đưa người ốm trong gia đình đến bệnh viện...

Bác sĩ Giàng A Dì, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu chia sẻ: Công tác ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số thì mỗi cán bộ, y, bác sỹ đều phải nắm rõ đặc điểm, tập quán sinh hoạt của đồng bào; thấu hiểu sự vất vả của bà con và hoàn cảnh của từng bệnh nhân để tư vấn, hướng dẫn, làm sao để người bệnh khi đến viện phải thực sự yên tâm điều trị. Đặc biệt, mọi thủ tục khi đến khám bệnh và điều trị phải dễ hiểu, dễ thực hiện đối với người dân.Hiện nay, nhờ có bảo hiểm y tế nên người dân vùng cao cũng đỡ vất vả và yên tâm hơn khi đến bệnh viện.

Các bệnh viện vùng cao Yên Bái thực hiện được nhiều ca mổ khó đáp ứng nhu cầu của người dân

Anh Lò Văn Mạnh, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: Theo Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, để có được sự thay đổi trong cách nghĩ của đồng bào vùng cao về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình thì yếu tố tiên quyết vẫn là công tác truyền thông. Bởi, khi người dân hiểu về mối nguy hiểm của bệnh tật thì ắt sẽ chủ động thực hiện. Ở Yên Bái, việc triển khai truyền thông được thực hiện rộng khắp từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản, bằng nhiều hình thức, từ truyền thông trực tiếp, truyền thông qua mạng xã hội, qua tranh ảnh, đến truyền thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng…Ốm đau được khám chữa bệnh - người dân vùng cao Yên Bái hôm nay đang có điều kiện tốt để chăm sóc sức khỏe bản thân, từ đó yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng, quê hương ấm no, hạnh phúc hơn./.

VOV Tây Bắc

 

 

vp biên tập

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC