Gia đình chị Quàng Thị Nhất ở bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu có 2 ao nuôi cá với diện tích trên 1.000 mét vuông. 2 con của chị đang học Tiểu học mới được nghỉ hè; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động hè không thể tổ chức, nên các cháu thường chỉ có thể đi tắm ao hoặc trèo cây, leo núi, nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích và đuối nước, gia đình không tránh khỏi tâm lý bất an.Được sự tuyên truyền của huyện, của xã gia đình chị đã cắt cử người trông nom trong lúc các cháu vui chơ và nhất là dạy cho các cháu kỹ năng bơi lội để đảm bảo an toàn.
Bơi lội là niềm vui của trê em mỗi khi hè về.
Được biết, xã Sặp Vạt có trên 1.000 hộ, gần 4.500 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hàng năm, nhiệm vụ bảo vệ và phòng chống đuối nước cho hơn 1.200 trẻ em trong xã luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Ngoài lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em vào các cuộc họp bản, xã cũng tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh từ các nhà văn hóa bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Thái để người dân nâng cao ý thức, nhận thức bảo vệ con em mình trước các nguy cơ.
Yên Châu là một trong những địa phương có mật độ ao, suối, hồ đập, công trình thủy lợi lớn của tỉnh Sơn La, với 3 hệ thống suối chính là suối Sặp, suối Vạt và Nặm Pàn; gần 150 đầu mối công trình thủy lợi, 8 hồ chứa nước và gần 70 đập xây kiên cố… Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn không có trường hợp trẻ em nào bị tai nạn thương tích và đuối nước. Có được kết quả này là nhờ huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền phòng chống đuối nước; hướng dẫn, khuyến khích phụ huynh quản lý và trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống cho con em mình, nhất là trong thời gian nghỉ hè.
Cần có sự kiểm soát trẻ nhỏ khi trẻ đi tắm ở các khu vực sông suối, hồ đập.
Phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức quản lý con em mình, không để các em tự do tắm sông, tắm suối hoặc ngay cả tắm ao ở nhà mà không có người lớn đi kèm. Ngoài ra, các gia đình cũng cần chuẩn bị các dụng cụ, thuốc cấp cứu để có thể ứng phó và cấp cứu kịp thời những tình huống tai nạn, rủi ro có thể xảy ra ở trẻ nhỏ./.
VOV Tây Bắc
Viết bình luận