Gia đình ông Phạm Văn Thủy ở thôn Kim Năng, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa có 5ha rẫy trồng sắn. Năm ngoái trong rẫy chỉ có vài khoảnh nhỏ cây bị khảm lá vi rút và ông đã tiến hành tiêu hủy theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, năm nay, khi trồng lại thì gần như toàn bộ rẫy sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá. Một số diện tích biểu hiện bệnh rất nặng ngay từ khi cây sắn mới lên. Thời điểm này sắn đã chuẩn bị thu hoạch, nhìn rẫy sắn bị bệnh gây hại khiến cả sản lượng và chất lượng sắn đều giảm nghiêm trọng, có nguy cơ mất trắng.
(Một diện tích lớn có nguy cơ mất trắng - Ảnh: VOV)
Đây là giống sắn mới đưa về Gia Lai 2 năm nay, nhưng vi rút gây bệnh khảm lá sắn và lan truyền rất nhanh, không những vùng Ia Pa, mà các vùng lân cận cũng phải nhổ tiêu hủy toàn bộ.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2018, diện tích sắn bị bệnh khảm lá vi rút toàn huyện chỉ khoảng 10ha nhưng năm nay đã tăng hơn 250 lần. Đây cũng là một trong những huyện có diện tích sắn bị bệnh lớn nhất tỉnh và mặc dù các ngành chức năng của huyện đã nỗ lực ngăn chặn nhưng bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại và gần như không thể kiểm soát.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, trong số hơn 4.200ha sắn bị bệnh, có hơn 1.600ha bị ở mức trung bình đến rất nặng, năng suất có thể giảm từ 50- 90%. Bị khảm lá nặng nhất chủ yếu là giống sắn HLS11, KM419, KM140 và KM98-5.
Như vậy, kể từ khi phát hiện cách đây khoảng 1 năm, diện tích sắn bi bệnh khảm lá virus ở Gia Lai đã tăng hơn 400 lần. Gia Lai hiện có 70.000ha sắn, do bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị, tốc độ lây lan vẫn chưa được kiểm soát nên toàn bộ các vùng sắn ở tỉnh đều bị đe dọa.
(Toàn bộ diện tích sắn trong vùng bị đe dọa - Ảnh: VOV)
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho rằng, bệnh khảm lá sắn trở thành đại dịch ở nhiều tỉnh khác, nên để đạt hiệu quả, công tác phòng chống cần được tiến hành đồng loạt trên quy mô lớn.
Đối với diện tích mới bị rải rác thì tiến hành tiêu hủy, nhổ những cây sắn bị bệnh để tiêu hủy. Đối với những diện tích bị nhiễm nhiều thì thực hiện tiêu hủy đồng thời chuyển đổi sang cây trồng khác, để tránh cho vi rút này lây lan.
Với 70.000ha, Gia Lai là một trong những tỉnh trọng điểm về cây sắn của cả nước. Tuy nhiên, bệnh khảm lá vi rút đang đe dọa nghiêm trọng đến ngành sản xuất này, trong khi đó, công tác phòng chống, xử lý bệnh diễn ra khá chậm và kém hiệu quả./.
Công Bắc/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận