Cuối tháng 3, dân làng Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, bàng hoàng khi em A Khơ, 7 tuổi, bỗng lâm trọng bệnh rồi tử vong. Người nhà A Khơ cho biết, ngày phát bệnh em có các triệu chứng, như: người bứt rứt, khó thở, sợ nước, sợ gió, lên cơn co giật, rồi tử vong.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum xác định A Khơ tiếp xúc với chó dại nhưng không được tiêm phòng. Đến lúc đó người nhà A Khơ mới nhớ ra, trước thời điểm tử vong khoảng 2 tháng em có bị chó cắn nhưng gia đình không đưa em đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ân hận cũng đã quá muộn màng.
Một gia đình ở xã Ya Chim, thành phố Kon Tum, có con bị chó dại cắn tử vong vào ngày 23/3 vừa qua
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, tại hai địa phương của tỉnh Kon Tum là huyện Đắc Glei và thành phố Kon Tum có 4 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Tất cả các trường hợp khi nhập viện đều chung tình trạng bệnh dại đã khởi phát với các triệu chứng, như: lên cơn kích động, sợ gió, sợ nước, co giật toàn thân…
Trong 4 trường hợp tử vong có 3 trường hợp là các bé từ 6-11 tuổi, bị chó cắn từ 2 đến 3 tháng trước thời điểm phát bệnh và cả 4 trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Ông Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, cho biết, bệnh dại tại địa phương tăng đột biến và rất nguy hiểm.
Khảo sát thực tế tại thành phố Kon Tum và huyện Đắc Glei của ngành y tế tỉnh Kon Tum cho thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, có nhiều người dân ở hai địa phương này bị chó, mèo cắn hoặc cào song hầu hết không đi tiêm phòng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ số người tử vong vì chó dại ngoài cộng đồng còn tiếp tục tăng cao.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh dại trong mùa hè năm nay, cùng với ngành y tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đang thực hiện việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự phát sinh và lây lan bệnh dại.
Tuy nhiên nếu trong đợt này, tỉnh Kon Tum tiêm phòng dại được cho 10.900 con chó, theo đúng danh sách đăng ký của 10 huyện, thành phố trong tỉnh thì có nghĩa là cũng mới chỉ có khoảng 25% tổng đàn chó của địa phương được tiêm phòng. Nguyên nhân, theo ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, là do người nuôi chó hầu hết không đăng ký với chính quyền địa phương dẫn đến số lượng thống kê không chính xác; người dân không phối hợp với lực lượng chức năng bắt chó để tiêm phòng, lấy lý do không có tiền nên không tiêm… Và điều này dẫn tới nguy cơ bùng phát bệnh dại là rất cao.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận