Du lịch cộng đồng ở bản Ngòi
Thứ hai, 00:00, 24/07/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh
VOV4.VN - Bản Ngòi là một trong 10 phân khu, điểm du lịch trong tổng thể Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Lòng hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bản nằm ở vị trí trung tâm, kết nối với các điểm du lịch và các phân khu còn lại.

Sức hấp dẫn từ vẻ đẹp nguyên sơ

 

Bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa (huyện Tân Lạc) đang trở thành điểm du lịch cộng đồng mới trên khu vực lòng hồ Hòa Bình. Giá trị lớn nhất của mô hình du lịch này chính là những bản Mường cổ còn giữ nhiều nét văn hóa nguyên gốc, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Theo truyền thuyết xưa, bản Ngòi, theo tiếng Mường là ‘bưa dâm’, nghĩa là bãi bằng ở trên núi, nơi có nhiều cây gỗ to. Người dân không biết bản làng có từ bao giờ, chỉ biết là trên dưới 1.000 năm, khi họ khai quật được chiếc trống đồng Ngọc Lũ. Không chỉ giữ nguyên những nếp nhà của người Mường, bản Ngòi còn hấp dẫn du khách bởi hồ nước "tiên" tuyệt đẹp rộng 16 ha, 3 mặt bao phủ những dãy núi đá vôi, với hàng chục hang động nguyên sơ.

Có những động mới được người dân phát hiện còn chưa kịp đặt tên, đẹp ngỡ ngàng với đủ hình thù kỳ thú như vân vũ, hình ông Bụt, ông Tiên, toạ lạc trên các đám mây rực rỡ muôn màu. Từng thăm rất nhiều hang động trên cả nước, nhưng theo anh Nguyễn Cao Tùng, du khách TP.Hồ Chí Minh, nơi đây hội tụ cả kiến trúc nghệ thuật tạo hình và hội hoạ.

 Sau 1h20 phút leo núi, anh Tùng chia sẻ cảm xúc: "Cảm giác hết sức tuyệt vời, từ trên cao bước xuống lòng hồ sông Đà, vào trong hang lại thấy cảnh đẹp kỳ thú, những hang đá trụ đá đang được hình thành, chắc chắn sẽ hấp dẫn và lãng mạn".

Đến bản Ngòi, du khách có thể đi bộ khám phá bản, xuyên qua những nương ngô, đào củ mài, hái lá thuốc, quăng chài lưới.... Buổi chiều giải trí ở công viên nước trên lòng hồ, với hơn 30 cụm trò chơi như tàu du lịch tốc độ cao, xe máy nước bơm hơi, đi thuyền kayak… Buổi tối, du khách trải nghiệm làm bánh chưng, bánh ống, xôi ngũ sắc; thưởng thức mâm cỗ lá Mường thơm ngào ngạt; xem bà con dân tộc Mường biểu diễn cồng chiêng, đốt lửa trại… để rồi chìm vào giấc ngủ sâu trong ngôi nhà sàn mái cọ nguyên sơ. Du khách cũng có thể mua sắm đặc sản là những vị thuốc nam, gà đồi, lợn bản... và nhiều thực phẩm sạch.

 Ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hòa Bình đánh giá: Chỉ với 1giờ30 phút là có thể từ Hà Nội đến vị trí này rồi. Tôi cho rằng điểm này hoàn toàn hấp dẫn các đơn vị lữ hành trong nước cũng như nước ngoài.

 

Gỡ khó làm du lịch

 

Bản Ngòi nằm giữa lòng hồ thủy điện sông Đà, không có đường bộ, chỉ độc nhất đường thủy. Đồng bào Mường nơi đây ở tách biệt, nghèo, đa phần chưa biết đến du lịch. Anh Trần Văn Vỹ, hướng dẫn viên Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hòa Bình, chia sẻ: Đời sống của bà con rất vất vả vì ở trên cao chỉ có đất trồng ngô, không có ruộng nước, xung quanh núi đá, rừng lại là rừng phòng hộ sông Đà cho nên không thể mở rộng được. Trong xóm không có đường bộ đi ra ngoài, đi bằng thuyền, vì vậy sự giao lưu với bên ngoài rất hạn chế.

Từ năm 2014, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình triển khai dự án Khu Du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng Ngòi Hoa. Đến nay, giai đoạn một đã hoàn thành với 7 nhà homestay đạt chuẩn. Các hộ dân được vay vốn không tính lãi, xây dựng, cải tạo chỗ ở, được cung cấp vật dụng cần thiết để hoàn thiện dịch vụ. Công ty hợp tác với Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội đào tạo 50 thanh niên trong bản cách cứu hộ, 15 nữ nhân viên buồng phòng, 20 gia đình học kỹ năng nghiệp vụ đón khách.

Là một trong những hộ làm du lịch đầu tiên, nhà anh Bùi Văn Thạo đầu tư 200 triệu cải tạo nhà sàn, xây mới khu vệ sinh, mua sắm thiết bị... và được tập huấn về dịch vụ đón tiếp. Đến nay, nhà anh thường xuyên đón khách, có đoàn tới cả trăm người. Anh Thạo nhận thấy lợi ích rõ nét từ mô hình này: "Lúc đầu làm du lịch, gia đình chưa có gì, chỉ mỗi nếp nhà. Công ty lên tư vấn hỗ trợ khung vật liệu và vay vốn không lãi 5 triệu để mua xăng cộ, đưa vật liệu, làm công trình phụ. Ở đây chưa có đường liên thôn, cái gì cũng phải trông chờ vào những đường thuyền đường sông, đất đồi thì cũng không có chỗ để làm ruộng. Bây giờ làm du lịch cộng đồng, khách về đây, xóm làng mình cũng được mở mang kiến thức, mở mang tầm nhìn xã hội, mình làm được bắp ngô, con tôm, con cá, cũng bán được".

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Ngòi đã đi đúng hướng khi chú trọng giải quyết ba vấn đề. Thứ nhất, xác định được văn hóa bản sắc Mường chính là sức hấp dẫn phải bảo tồn. Thứ hai, chính quyền và nhân dân nhận thức được về việc phát triển du lịch bền vững, không xâm hại môi trường, ngay từ đầu đã có phương án xử lý chất thải, nước thải, giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Thứ ba, ngành du lịch đã sớm hỗ trợ kỹ năng làm du lịch và cả kỹ năng cứu hộ cho người dân, giúp họ tự tin khi chính mình là người cung cấp dịch vụ, hưởng lợi từ du lịch.

Thời gian tới, đường nối từ bản Ngòi tới xã Ba Khan- huyện Mai Châu cũng được xây dựng, để người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

 

Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC