Khi văn hóa là điểm tựa để du lịch Lai Châu vươn mình
Thứ ba, 14:57, 24/12/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Lai Châu – mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh sắc kỳ vĩ, hoang sơ, khí hậu quanh năm ôn hòa. Không những thế, nơi đây còn có nền văn hóa độc đáo, đa sắc màu của 20 dân tộc anh em. Đây chính là những lợi thế, là "điểm tựa" để địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, vươn mình phát triển bền vững.

 

Là huyện biên giới xa trung tâm tỉnh lỵ gần 150km, Mường Tè (Lai Châu) có 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có những dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, Si La, Hà Nhì. Những năm qua, huyện Mường Tè đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc, tạo đà để phát triển du lịch. 

Bà Lỳ Lỳ De, dân tộc Hà Nhì, ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng chia sẻ: "Bây giờ già rồi không đi làm nương thì tập trung ở nhà dạy các cháu thêu, may trang phục truyền thống. Mặc dù xã hội hiện đại con cháu ít mặc, nhưng đến ngày lễ, tết, thờ cúng vẫn phải duy trì. Cứ thế hệ này đến thế hệ khác, đến bây giờ vẫn duy trì không mai một. Các con cháu không biết quá sâu, nhưng cơ bản là biết hết".

Sặc sỡ như con bướm xuân là câu nói ví von về trang phục truyền thống của người Hà Nhì ở Mường Tè. Chị Chu Nhù Pư, ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng cho biết, việc chăm chút, sáng tạo trang phục chính là gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Để nét đẹp trang phục dân tộc mình được phát huy, hàng ngày, chị Chu Nhù Pư vẫn thường xuyên hướng dẫn các chị em trong bản cách phối màu, thêu trang phục dân tộc mình sao cho đẹp nhất. 

"Mình chỉ chọn lựa những màu đỏ và màu hồng để cho nó nổi hơn. Không cho vào màu trắng với màu xanh đâu. Nếu mà mình kiên trì thì như mình thêu nhanh cũng mất khoảng 3 – 4 tháng mới được 1 bộ. Những người thỉnh thoảng thêu thì chỉ cái mũ thôi cũng mất 1 – 2 năm", chị Pư nói.

Ông Lỳ Ló Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết, chính quyền xã đã có những kế hoạch cụ thể nhằm phát huy nét đẹp văn hoá các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.

"Chúng tôi đã có kế hoạch và định hướng, mặc dù xã hội rất là phát triển, kể cả lời ăn tiếng nói, kể cả phong cách ăn mặc, nhưng chúng tôi sẽ tuyên truyền làm sao để gìn giữ được bản sắc văn hóa của người Hà Nhì từ đời này đến đời khác. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai hết tới tất cả các bản, vì hiện trên địa bàn xã 8/8 bản đã có nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng", ông Hừ nói.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cũng cho biết: "Để phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, trên cơ sở chủ trương của tỉnh, hàng năm huyện đã xây dựng và tổ chức phục dựng các lễ hội, đặc biệt là lễ hội văn hóa ẩm thực. Huyện cũng đã chỉ đạo thành lập các đội văn nghệ thôn bản để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, đặc biệt là tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trẻ để lưu truyền các truyền thống văn hóa văn nghệ của từng đồng bào dân tộc".

Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, có lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) những năm gần đây đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng.

Những nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây đã cho trái ngọt, khi bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng cấp tỉnh vào năm 2015; đến năm 2020 bản được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam. Và gần đây nhất là vào tháng 4/2023, bản Sin Suối Hồ đã được vinh danh là bản du lịch cộng đồng ASEAN.

Anh Vàng A Hòa - hộ dân làm du lịch ở bản Sin Suối Hồ chia sẻ: "Năm ngoái được khoảng 300 – 400 lượt khách, năm nay thì chắc được hơn một tí, khoảng 600 – 700 khách gì đó. Hy vọng là từ nay đến tết khách đến sẽ tăng dần lên. Khách đến với A Hòa homestay chủ yếu là sử dụng dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống và trải nghiệm leo núi".

Bản Sin Suối Hồ có 152 hộ thì đến nay đã có 29 hộ làm homestay. Các homestay được trang trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, gọn gàng, sạch sẽ. Những hộ không làm homestay thì tham gia vào chuỗi giá trị du lịch bằng cách cung cấp các sản phẩm du lịch như vòng, khăn, váy áo thổ cẩm, hay các dịch vụ vận chuyển, thám hiểm leo núi, giới thiệu văn hóa và ẩm thực dân tộc Mông cho du khách.

Từ thành công của mô hình du lịch cộng đồng ở các bản: Sin Suối Hồ, Vàng Pheo (huyện Phong Thổ); Sì Thao Chải, Bản Hon, Bản Thẳm (huyện Tam Đường)… đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Dao, Lự… ở nhiều địa phương trong tỉnh Lai Châu cũng đang khai thác lợi thế văn hóa dân tộc mình để phát triển du lịch, từ đó góp phần thu hút ngày càng nhiều hơn lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2024 này, lần đầu tiên các bản làng ở Lai Châu đón gần 1,3 triệu lượt khách du lịch. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp tạo đà cho du lịch địa phương vươn bước sang một giai đoạn mới.

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: "Năm 2025 chúng tôi phấn đấu sẽ đón trên 1,4 triệu lượt khách, tạo cơ sở để xây dựng kế hoạch và hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ đón trên 2 triệu lượt khách/năm. Để thực hiện được nhiệm vụ này chúng tôi phải tập trung tham mưu hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Tập trung tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trong giai đoạn 2025 – 2030. Cái nữa là công tác quảng bá điểm đến, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển ngành du lịch Lai Châu trong giai đoạn mới".

Lai Châu đang ngày càng khẳng định vị thế của mình bằng việc khai thác tiềm năng du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước, quốc tế, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước đưa Lai Châu vươn mình, bứt phá./.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC