VOV4.VN - Ban chỉ đạo Tây Bắc vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong vùng Tây Bắc về việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các đại biểu nhận định: mặc dù du lịch các tỉnh Tây Bắc đã có sự tăng trưởng nhất định, nhưng so với tiềm năng, tài nguyên du lịch, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội thì du lịch các địa phương này vẫn còn nhiều hạn chế, như: nhận thức về vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội chưa đồng đều trong các cấp, các khu vực; tư duy kinh tế còn nặng về nông - lâm nghiệp; chưa nhận thức đồng bộ tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng của du lịch; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khách du lịch tiếp cận khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề; môi trường cho phát triển du lịch vẫn chứa đựng các yếu tố thiếu bền vững như: chèo kéo, lừa đảo chụp giật, nâng giá, ép giá…
Hội nghị phát triển du lịch vùng Tây Bắc tổ chức hôm 3/4 tại Hà Nội
Để phát triển ngành du lịch thành ngành mũi nhọn vùng Tây Bắc, các đại biểu cho rằng: cần tăng cường vai trò điều phối vùng của Ban chỉ đạo Tây Bắc trong việc kết nối các hoạt động du lịch của các địa phương trên góc độ quản lý, khai thác tài nguyên du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch để tạo ra sự thống nhất về khai thác thị trường và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Ngô Hoài Trung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Trong giai đoạn tới, ngoài việc tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông đến các khu điểm du lịch, cần triển khai quyết liệt chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch. Cũng cần tiếp tục ưu tiên xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp hiện đại phù hợp với nhu cầu thị hiếu của các thị trường chất lượng cao. Chú trọng sản phẩm mang tính đặc thù riêng của Tây Bắc là cảnh quan tài nguyên tự nhiên. Đầu tư nâng cấp hoặc xây mới các cơ sở vật chất du lịch theo hướng hiện đại, đồng bộ nhưng gắn liền với đặc diểm địa lý và con người các tỉnh Tây Bắc".
Các đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá tiềm năng du lịch Tây Bắc để thu hút và cạnh tranh thị trường khách trong nước và quốc tế; khuyến khích hỗ trợ các loại hình du lịch tự nhiên, thân thiện với môi trường như: du lịch sinh thái, du lịch làng quê, du lịch mạo hiểm…
Phương Thoa/VOV-Trung tâm Tin
Viết bình luận