Vị thuốc quý của núi rừng Sơn La
Thứ tư, 11:18, 28/09/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Từ một loại cây mọc hoang dại, những năm gần đây, sơn tra đã trở thành cây trồng với lợi ích kép, khi vừa cho thứ quả lành, vừa giữ rừng giữ đất, mang lại nguồn thu, góp phần đổi thay cuộc sống cho bà con vùng cao Sơn La.

 

Cây Sơn tra trong tiếng Mông gọi là chi-tô-dì, tiếng Thái là mắc-cắm, còn tiếng phổ thông hay được biết đến với tên gọi quen thuộc: Táo mèo. Đây là loại cây được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao của Sơn La như Thuận Châu, Mường La và Bắc Yên, nơi mây mù bao phủ quanh năm, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp. Cây Sơn tra bắt đầu cho thu hoạch quả từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và dần thay đổi đời sống của đồng bào nơi đây.

Gần một tháng nay, nương Sơn tra chín đỏ của gia đình ông Mùa A Sự, ở bản Háng Chơ, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên luôn tấp nập, rộn ràng. Ông Sự cho biết, gia đình có hơn 10 ha sơn tra, 5 năm trở lại đây, khi cây sơn tra bắt đầu cho thu hoạch, cuộc sống của nhà ông khấm khá lên trông thấy. Trước đây không có kỹ thuật, không biết trồng cây, chỉ làm nương thôi, không có tiền, gia đình nghèo, kinh tế thấp; sau chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng cây táo sơn tra; đến nay đã thu hoạch được 5 năm rồi, mỗi năm thu từ 5 đến 10 tấn trở lên, cả vụ được 30-40 triệu trừ chi phí, lấy tiền đó phục vụ gia đình và cho các cháu đi học...

Ai đã từng đến Sơn La và thưởng thức hương vị quả sơn tra sẽ không thể nào quên; dưới lớp vỏ màu vàng chanh hoặc rám hồng là những miếng sơn tra có mùi thơm đặc trưng, vị chát ngọt, chua dôn dốt. Quả sơn tra thái lát phơi khô còn là bài thuốc đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa, huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường. Gần đây, loại quả này đang được nhiều công ty thu mua để chế biến nước quả, rượu vang, mứt…

Từ chỗ mọc tự nhiên trong những khu rừng già, sơn tra đang được người dân vùng cao cải tạo, chăm sóc theo kỹ thuật, trở thành loại cây đa mục tiêu, giúp giữ đất, giữ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Ông Sồng A Lồng, ở xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên cho biết: Nhà tôi có 1 ha trồng sơn tra, được cán bộ xã hướng dẫn, chỉ bảo nên cây cho thu quả đều. Cây này có lợi lắm, vừa có quả thu hoạch đem bán, vừa giữ được rừng cho xã, nhà tôi còn được tiền thêm nữa, nên chắc sẽ cố gắng trồng thêm nữa...

Bắc Yên là địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự phát triển của cây sơn tra, đặc biệt là ở các xã vùng cao như Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng. Toàn huyện có gần 2.600 ha, trong đó, có khoảng 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm.

Những năm qua, các cấp chính quyền nơi đây đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng sơn tra; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường gắn với việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng dây chuyền bảo quản, chế biến sơn tra tại địa phương.

Ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, cho biết: Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay việc tiêu thụ sơn tra đang từng bước ổn định trở lại, đảm bảo thu nhập cho bà con. Cây sơn tra rất quan trọng với bà con Xím Vàng, là nguồn thu nhập đáng kể giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con. So với các năm dịch covid-19 thì năm nay tiêu thụ đỡ khó khăn hơn nhiều, các thương lái về tận nơi, mua cả vườn; nếu như giá bán năm ngoái chỉ được 2 nghìn 7/kg, năm nay đã tăng lên được 6 nghìn/kg...”

Không ai nhớ cây sơn tra có từ bao giờ, chỉ biết rằng, loại cây này đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông huyện vùng cao Bắc Yên. Không chỉ là thứ quả lành của núi rừng, sơn tra còn là một vị thuốc quý và đang được chế biến thành nhiều sản phẩm độc đáo. Bà con vùng cao mong muốn sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và của hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm sơn tra, góp phần tạo động lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao./.

Cùng xem một số hình ảnh về cây sơn tra nơi vùng cao Tây Bắc

Màu xanh của cây sơn tra phủ kín những đồi núi của vùng cao Bắc Yên (Sơn La).

Từ chỗ mọc tự nhiên, hiện sơn tra đang được người dân vùng cao cải tạo, chăm sóc theo kỹ thuật, giúp giữ đất, giữ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Người dân vùng cao phấn khởi thu hái quả sơn tra.

Sơn tra được  thương lái về tận bản, tận vườn thu mua.

Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, quả sơn tra đã cơ bản được tiêu thụ ổn định, với giá bán cao hơn.

 

                     Lê Hạnh/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC