Đã gần 22h đêm. Sa Pa chìm trong sương lạnh. Do ảnh hưởng của cơn mấy đợt bão liên tiếp, nên thỉnh thoảng trời lại ào mưa. Trên một đoạn đường ngắn trước nhà thờ cổ Sa Pa, chừng 7, 8 đứa trẻ đi theo chúng tôi. Đa số các em đều mới dưới 6 tuổi, nhỏ thó, lem luốc, đầu trần, lưng địu thêm đứa em. Tôi chợt nhói lòng khi so sánh với trẻ em thành phố: Tuổi này, giờ này, các em đã được bố mẹ cưng nựng dỗ dành cho đi ngủ cả rồi. Còn các em ở đây, vẫn dầm mưa và như chẳng có vẻ gì lo lắng về mưa gió hay rét mướt.
Mục tiêu duy nhất của các em là làm sao có nhiều người hỏi mua hàng hoặc nhiều người cho tiền. Nếu ai không mua, các em xin vài ngàn đồng để mua giấy vở, thậm chí xin cả tiền mua sữa cho đứa em nhỏ xíu đang ngủ ngắt trên lưng. Ai hỏi câu gì, các em chỉ trả lời qua loa, còn chỉ một giọng điệu duy nhất: “Cô, chú mua hàng cho cháu đi” và “Cháu chưa bán được gì từ tối đến giờ”. Kỷ niệm chuyến du lịch Sa Pa của nhiều người thêm vào sự ám ảnh, se sắt vì sự vô cảm và thực dụng quá sớm của những em nhỏ bán hàng nơi đây.
Tìm kiếm trên mạng Google về cụm từ “Trẻ em bán hàng ở Sa pa”, chỉ trong 0,68 giây, có gần 1 triệu kết quả. Những bài viết, những dòng sẻ chia đầy ám ảnh lo lắng trước tình trạng trẻ em như kiểu bị chính người thân của mình đẩy vào vòng mưu sinh từ khi còn quá nhỏ, qua năm tháng cho thấy đây là vấn đề tồn tại dai dẳng từ khá lâu rồi. Nào là “Ám ảnh ánh mắt của những đứa trẻ mưu sinh ở Sa pa”; “Nhói lòng những đứa trẻ cõng em mưu sinh ở Sa pa”; “Thương lắm những đứa trẻ chân trần mưu sinh trong giá rét Sapa”; “ Trò chơi kiếm tiền của những đứa trẻ ở Sa pa...”; “ Tình trạng trẻ em chèo kéo bán hàng ở Sapa vẫn tái diễn”, rồi “Các em nào có lỗi gì !”...
Nhiều người dân ở Sa pa cũng chia sẻ về hoàn cảnh của những đứa trẻ này với sự thương cảm lẫn bất lực. Thương cảm vì các em quá nhỏ đã bị lao động quá sức khi ngày nào cũng phải lang thang bán hàng đến khuya. Bất lực vì nhiều ông bố bà mẹ, đẩy trẻ ra đường kiếm sống, bạ đâu cho con ngủ đấy, bất kể trời rét trời mưa. Bởi họ biết như vậy sẽ đánh đúng vào tâm lý của khách du lịch. Ai thấy cũng rất là thương, sẽ chụp ảnh chung, sẽ không ngần ngại mua một đồ vật gì đó để làm kỷ niệm.
Rất nhiều trẻ em ở Sa Pa phải mưu sinh khi còn quá nhỏ. Ảnh: KT
Trên mạng xã hội, rất nhiều người đi Sa pa về cũng mãi chưa thoát khỏi sự ám ảnh về câu chuyện mưu sinh của những đứa trẻ ở đây. FB của bạn Phạm Kiều Oanh chia sẻ: “ Sẽ có ý nghĩa hơn nếu tình thương, sự sẻ chia được đặt đúng lúc, đúng chỗ. Và nếu có thể, xin đừng cho trẻ em tiền”.
Nhiều người cũng phân tích rằng: nhà nước hằng năm vẫn cấp ngân sách cho Sa pa. Những doanh nghiệp trong hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp đang khai thác du lịch ở Sa pa cũng đã chia sẻ lợi ích với người dân địa phương và cải thiện môi trường để đón nhiều khách du lịch đến hơn và ủng hộ nhiều hơn cho người dân Sa pa. Trẻ em các dân tộc ở đây cũng như nhiều vùng khác, đến trường được cấp gạo ăn và tiền mua sách vở. Vậy nên để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trẻ em quá nhỏ phải mưu sinh bán hàng, chụp ảnh chung và xin tiền du khách, không còn cách nào khác, chính là cách ứng xử của khách du lịch.
Khách du lịch thương các em, nhưng phải thương yêu đúng cách để góp phần bảo vệ quyền lợi của các em. Tức là không mua hàng, không cho tiền trẻ em, để các em yên tâm trở lại với việc học hành, để các em không bị những tờ 10 ngàn đồng, 20 ngàn đồng mua mất tuổi thơ và cả chặng đường tương lai phía trước. Không mua hàng, không cho tiền các em, chính là góp phần kéo các em ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo lạc hậu. Đó mới là sự phát triển bền vững của cộng đồng nơi đây.
Đức Linh/VOV4
Viết bình luận