Dân ca đối đáp
Bên góc sân nhỏ, hai vợ chồng già Mấu Tranh và bà Cao Thị Mận, người Raglai huyện Khánh Sơn ngân nga làn điệu A lâu. Ở tuổi 70, mái tóc đã ngả bạc, nhưng giọng hát của ông bà vẫn khỏe khoắn, thong thả, ngọt ngào.
Cứ một bên xướng, một bên họa, những lời hỏi thăm nối tiếp nhau có vần, có điệu. Bà Mận chia sẻ:“Người Raglai mình dùng làn điệu A lâu để làm quen, tìm người thương của mình. Ngày xưa, lần đầu gặp nhau là mình hát giao duyên với nhau. Ưng nhau là hát cùng nhau”.
Ông Mấu Tranh và bà Cao Thị Mận
A lâu chính là dân ca đối đáp. Trong giao duyên, câu hát đầu tiên là lời thăm hỏi, ban đầu là tên tuổi, gia cảnh, xóm làng. Khi đã mến nhau thì giãi bày tâm sự. Rồi tỏ tình. Những câu chuyện tưởng chỉ có thể diễn đạt bằng lời nói, vậy mà qua sự sáng tạo của nghệ nhân dân gian Raglai đã trở thành câu hát đầy nỗi niềm của đôi lứa yêu nhau.
Hơn 40 năm về chung một nhà, lời hát A lâu thuở đầu gặp gỡ nơi chòi canh rẫy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà Mận, ông Tranh.
Đối với người Raglai, hát A lâu cũng chính là hát lên nỗi lòng mình. Buồn, vui, hờn, giận cũng đều có thể thổ lộ bằng câu hát A lâu. Chỉ cần qua câu hát người nghe có thể đoán định ra tính cách bạn tình.
A lâu đa dạng không gian diễn xướng
Điệu A lâu đa dạng không gian diễn xướng. Ông Mấu Tranh tâm sự: “Mình đi rẫy mình hát cho con chim nghe nè, đuổi chim không ăn lúa, ăn bắp. Đi một mình trong rẫy hát lên nó vui rẫy lắm. Rồi lúc nghỉ ngơi, hút thuốc, nói chuyện với mọi người mình hát cho quên đi mệt nhọc”.
Nơi chòi giữ rẫy, A lâu khiến người ta xích lại gần nhau, quên đi cái mênh mang hun hút của núi đồi. Hay sau những men say của ngày vui lễ hội, họ quây quần bên nhau nghe người già nói chuyện bằng làn điệu A lâu. Trong những cuộc vui, bao giờ A lâu cũng được vang lên nhiều nhất.
Không chỉ lễ Tết, điệu A lâu cũng vang lên trong đám cưới người Raglai. Khi ấy, A lâu là lời bà con xóm làng, hai bên nội ngoại chúc mừng sui gia có được dâu hiền, rể thảo; là lời dặn dò của cha mẹ dành cho hai con chịu khó làm ăn, vợ chồng hòa thuận và không quên nghĩa sinh thành. Chỉ là đôi ba câu hát, nhưng đó là nghi thức quan trọng trong ngày cưới mà cho đến ngày nay người Raglai vẫn truyền đời.
Khi dựng xong một ngôi nhà mới, trong ngày khánh thành, sau khi chủ tế hoàn tất mọi thủ tục về nghi lễ sẽ là phần ăn mừng nhà mới. Các chức sắc ngôi thứ trong dòng họ gia đình và buôn làng đều đến chúc mừng gia chủ. Mọi người sẽ mang theo thịt, gạo, rượu để góp cho gia chủ them phần đãi khách. Đã đông lại càng đông, đã vui lại càng vui. Mọi người cùng nhau ca hát, ăn uống, đánh mã la. Đây chính là lúc làn điệu Raglai A lâu ru tu mừng nhà mới được thăng hoa.
A lâu còn được người Raglai hát trong đám ma, trong lễ bỏ mả. Với bà con người Raglai, lễ bỏ mả là ngày chia tay vĩnh viễn giữa người đang sống và người đã chết để người chế thực sự về thế giới vĩnh hằng. Sau khi tang chủ lo liệu xong xuôi, các phần lễ của lễ bỏ mả kết thúc, người ta sẽ hát A lâu. Đó là một hình thức chia buồn với tang chủ, theo quan niệm của người Raglai.
Ứng tác tại chỗ
Ca từ của làn điệu A lâu có thể do các nghệ nhân tự biên, tự diễn, dựa vào hoàn cảnh ứng tác tại chỗ. Vậy là ngoài được mẹ dạy, cha truyền cho câu hát, ngoài năng khiếu biết hát, nghệ nhân còn biết sáng tác lời hợp tình, hợp cảnh để đối lại với bạn hát của mình. Có như vậy cuộc hát A lâu mới thêm phần thi vị, mới bộc lộ được cái tài diễn xướng của nghệ nhân dân gian.
A lâu còn là những lời nói lý, giải quyết xung đột. Thay vì nói chuyện căng thẳng, họ ngồi lại bên nhau bình tĩnh hát A lâu nói lý lẽ. Và cả những lời góp ý, họ cũng không đao to búa lớn ngôn từ, chỉ hát A lâu mà lời phê bình cũng trở nên nhẹ nhàng, khiến người nghe cũng mừng vui ra mặt tiếp thu. Đó không chỉ là hình thức tự sự dân gian độc đáo mà còn là cách giải quyết các xung đột, giảng hòa một cách văn hóa trong cách ứng xử của người Raglai.
Hầu hết, lời ca của làn điệu A lâu đều giải dị, không chau chuốt, bóng bẩy, nhưng biện pháp so sánh, ẩn dụ, nói gần, nói xa lại được các nghệ nhân dân gian đưa vào để câu hát thêm phần ý nhị.
Lời lẽ ví von, giàu hình ảnh càng cần người giàu kinh nghiệm, am hiểu văn hóa, phong tục, có vốn sống mới thấm thía hết được hồn cốt của dân ca A lâu.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận