Biến cây di sản thành lợi thế của địa phương
Thứ sáu, 08:58, 19/02/2021 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Đất nước ta có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông lâm sản có giá trị. Đặc biệt, ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số, thì những cây con đặc sản lại vô cùng phong phú. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải địa phương nào cũng biết cách để biến những giá trị đó thành cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương mình. Cách làm của người dân bản Bướt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trong việc phát triển cây di sản đã thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây.

Chị Đinh Thị Huyền - Giám đốc Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc, cũng là một trong hai đơn vị thực hiện dự án phát triển giống gạo tẻ râu tại địa bàn bản Bướt (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Việc phát hiện giống gạo tẻ râu cũng như phát triển lên thành đặc sản vùng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bà con vùng dân tộc ở Vân Hồ, Sơn La.

Gạo tẻ râu được trồng ở bản Bướt, Vân Hồ, Sơn La.

Việc phát hiện giống lúa bản địa này cũng chính từ việc tham gia các dự án phát triển nông thôn miền núi của trung tâm từ năm 2015 đến nay. Với đặc tính hạt to, mẩy, thơm, dẻo và đặc biệt nhất ở giống gạo này chính là ngọt nhưng lượng đường lại rất ít. Vậy nên, Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nông lâm miền núi - ADC đại học nông lâm Thái Nguyên, thực hiện dự án phát triển giống lúa đặc sản này. Việc tiến hành dự án rất coi trọng những giá trị bản địa, những kinh nghiệm dân gian của chính các hộ dân nơi vùng cao này.

Với sự đồng hành, tư vấn của cán bộ dự án, trong vòng 2 năm trở lại đây, số hộ tham gia dự án trồng gạo tẻ râu ở 2 xã Chiềng Yên và Song Khủa đã lên đến 350 hộ,  trong đó, có đến 85% là các hộ dân là người dân tộc thiểu số như Thái, Dao, Mường.. Từ khi tham gia vào trồng và kinh doanh các sản phẩm gạo đặc sản này đời sống của bà con nơi đây đã dần thay đổi.. chị Lường Thị Khoa, xã Song Khủa thành viên tham gia dự án với 500m2 trồng gạo tẻ râu cho biết, rất phấn khởi bởi giống lúa bản địa của địa phương đã được thị trường biết đến, không những vậy mà giá thành cũng tương đối cao nên đời sống của chị và bà con xung quanh đã dần thay đổi.

Gạo tẻ râu hướng đi mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: nếu như trước kia bà con canh tác nhỏ lẻ, thủ công, tự do nên sản lượng và chất lượng của gạo chưa được cao, thì từ khi có sự đầu tư về con người, áp dụng thêm các biện pháp canh tác mới, sản lượng và chất lượng được nâng lên đáng kể. Từ 10 ha của xã đã cho thu 40 tấn lúa với giá bán 15 nghìn/kg, thu nhập bình quân của người dân là hơn 60 triệu/ha.. Thu nhập của bà con được nâng lên rõ rệt.

 Gạo tẻ râu hiện tại đã có mặt ở thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận,  người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Vui hơn nữa là giống gạo này được những bệnh nhân tiểu đường quan tâm sử dụng, bởi lượng đường phù hợp có trong hạt gạo. Tất cả những điều này có thể là cơ hội để sản phẩm gạo tẻ râu mở rộng hơn nữa ra các thị trường tiềm năng. 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC