Chăn nuôi gia súc ở Ninh Thuận gặp khó
Thứ hai, 00:00, 26/12/2016

(VOV) - 3 năm nay, thời tiết không thuận lợi làm cho chăn nuôi gia súc có sừng ở vùng đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận, gặp nhiều khó khăn. Nhiều người chăn nuôi lao đao; một số hộ phải bỏ trang trại, chuyển sang nghề khác hoặc đi làm công nhân.

 

Thuận Nam là một trong những địa phương chăn nuôi gia súc có sừng lớn của tỉnh. Những ngày này, khá nhiều trại chăn nuôi cừu phải bỏ hoang. Chị Ninh Thị Mộng Thu đang canh gần 45 con cừu, hơn 20 con bò tại cánh đồng  xã Văn Lâm. Đàn cừu tranh thủ uống ở những vũng nước đọng, gặm cỏ xanh sau những ngày mưa vừa qua.

 

Chị Thu cho biết tranh thủ cánh đồng đang có cỏ nên chị thả cừu ra ăn, được ngày nào hay ngày đó: "Bây giờ ăn uống thất thường, không có cỏ, không có nước thì như nuôi cầm chừng mà thôi".

Bà con đưa đàn gia súc đi kiếm ăn ở địa phương khác

 

Trên 138.000 con gia súc có sừng ở huyện Thuận Nam đang rơi vào tình trạng thiếu thức ăn xanh nghiêm trọng do thời tiết không thuận lợi. Tình trạng thoái hóa giống do phối giống cận huyết cũng làm đàn gia súc ở đây bị suy dinh dưỡng, chậm sinh trưởng, bán mất giá.

 

Anh Ngụy Công Khánh, Trưởng trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Thuận Nam, cho biết nhiều người chăn nuôi phải bỏ nghề, chuyển làm việc khác hoặc đi làm công nhân ở các tỉnh.

 

Chăn nuôi cừu

 

Huyện Thuận Bắc có tổng đàn gia súc có sừng trên 40.000 con. Đa số chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ, phân tán nên việc lai tạo, cải tạo đàn chủ yếu mang tính cục bộ, dẫn đến việc lai tạo cận huyết, giống bị thoái hóa. Số ít hộ chăn nuôi có quy mô trang trại thì tự mua con giống về lai tạo, song vẫn chưa đồng bộ và khoa học.

 

Ông Đào Công Vụ, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Thuận Bắc, cho biết: “Hiện nay khó khăn nhất trong chăn nuôi của đồng bào là con giống. Nhà nước hỗ trợ thì hỗ trợ gia súc sinh sản. Dự án nào cũng vậy, toàn là hỗ trợ gia súc sinh sản, Ví dụ trong một tổ có 30 hộ thì ít nhất cũng phải có 1 hộ có con giống để người ta cải tạo giống chứ!".

 

Từ những năm 2007-2010, chăn nuôi gia súc có sừng gồm dê, bò, cừu được coi là thế mạnh của ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận nói chung và vùng đồng bào Chăm nói riêng. Mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã quan tâm đến việc trồng cỏ, bổ sung thức ăn tại chuồng; xây dựng dự án chăn nuôi theo chuỗi giá trị bằng mô hình liên kết 4 nhà, song chưa thực sự đồng bộ ở các hộ. Do đó, 3 năm trở lại đây, chăn nuôi ở vùng đồng bào Chăm đang đứng trước những khó khăn và rủi ro rất lớn.

 

 

 

 

Thúy Linh/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC