Gia Lai đẩy mạnh xoá mù chữ trong vùng dân tộc thiểu số
Thứ sáu, 15:19, 03/03/2023 Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, trên 90% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỉnh Gia Lai đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc dạy đọc và viết chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ phận cư dân chiếm gần 1 nửa dân số toàn tỉnh.

Hơn 3 tháng nay, cứ vào 18 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, Lớp dạy đoc-viết chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng,  thành phố Pleiku lại sáng đèn và vang vọng tiếng đánh vần của những học viên. Lớp học có 30 thành viên ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku.  

Chị H’ Thiếu, một bà mẹ 3 con tham dự lớp học chia sẻ, trước đây, gia đình tôi nghèo khó, bố mất sớm, điều kiện gia đình không cho phép nên tôi không thể đi học và không biết chữ. Vừa qua, được thôn trưởng, phường và phía nhà trường đến động viên, tôi quyết tâm đi học để biết chữ. Những ngày đầu tham gia học chữ viết rất vất vả, nhưng tôi muốn biết đọc, biết viết, nên sẽ cố gắng học.

Tại lớp học, bà H’Lung (57 tuổi, cùng trú tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng) cũng đang tập viết những chữ số cơ bản. Bà H’Lung tâm sự, do tuổi đã cao, nên khả năng tiếp thu có phần hạn chế hơn so với những người trẻ trong lớp, nhưng với quyết tâm không để bản thân tiếp tục bị lạc hậu, bà đã chăm chỉ tới lớp. HIện giờ bà đã biết đọc và tự viết được tên của mình.  

Bà H’Lung chi sẻ, tôi không biết chữ, không biết tính toán, được đi học biết chữ, tự viết tên mình tôi vui lắm, cảm ơn cô giáo đã dạy chữ cho tôi và cho mọi người”

Tại trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, làng Ia Lang có khoảng 100 người không biết chữ. Khi được vận động đến lớp học nhiều người còn e dè, xấu hổ do đã lớn tuổi, một số khác lại rụt rè vì lo mình không tiếp thu được kiến thức. Tuy nhiên, sau khi đến lớp một thời gian, mọi người trở nên thích thú nên dần dần rủ nhau đến lớp học đông hơn.

Theo cô giáo Dương Thị Kiếu-Trường Tiểu học Ngô Quyền, lớp học chủ yếu là người lớn tuổi, không có điều kiện đến lớp, khi đến đây con chữ đối với họ rất khó, nhưng họ rất ham học dù trời lạnh, hoặc mưa thì vẫn đến lớp đầy đủ. Hiện giờ, mọi người đã viết được 100%, đọc trơn tru thì lớp được trên 50%.

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, thành phố Pleiku) là 1 trong 7 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được chọn thực hiện nhiệm vụ dạy đọc và viết cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nhà trường đã phối hợp cùng UBND xã Chư Á và các thôn, làng rà soát số lượng người dân tộc thiểu số chưa biết đọc biết viết trong độ tuổi15 đến 60, để vận động bà con tham gia học tập. 

Thầy Lê Minh Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết, nhà trường đã thành lập tổ vận động học viên từ 15 đến 60 tuổi ra lớp học xóa mù chữ và đến bây giờ được 23 học viên ra lớp. Chương trình xóa mù chữ được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 3 kỳ, tương ứng với 42 tuần, tương ứng mỗi kỳ là 315 tiết dạy, giai đoạn 2 chia thành 2 kỳ, tương ứng với khối lớp 4 và lớp 5 thì hoàn thành chương trình.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), tỉnh Gia Lai tổ chức 735 lớp dạy đọc- viết cho gần 23.500 người ở 176 xã. Riêng trong năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân chia kinh phí về các địa phương để mở 217 lớp cho trên 6500 người.

Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai khẳng định, đây là chương trình thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Gia Lai nói riêng, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho bà con, từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Hiện nay chương trình đã được phân bổ cho các huyện, thị xã, thành hố, một số đơn vị đã tập trung học viên để làm quen với chương trình. Trong thời gian tới chương trình sẽ được mở rộng và triển khai dạy học đại trà ở các địa phương./.

Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC