Năm 2011, khi vừa tròn 30 tuổi, anh Pờ Lò Hừ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và là đảng viên người La Hủ đầu tiên của bản Pha Pu. Khi đó anh Hừ được ông Ly Sạ Pu, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu giúp đỡ, giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp đảng.
Nhắc đến những tháng ngày dày công thực hiện việc xóa bản “trắng đảng viên” tại vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ ở xã Pa Ủ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ly Sạ Pu vẫn không thể quên chính ông là một trong những người đầu tiên “ươm mầm” đảng viên ở nơi khó khăn ấy.
Trong điều kiện cuộc sống còn nhiều hủ tục lạc hậu, ngày này qua tháng khác, đàn ông, đàn bà người Mảng và La Hủ uống rượu và hút thuốc lào, trong nhà rượu nhiều hơn gạo, cuộc sống chỉ trông chờ vào thiên nhiên, du canh, du cư, thì đối với họ: nhắc đến hai tiếng "đảng viên" như một khái niệm mơ hồ, xa xăm.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ly Sạ Pu kể lại: những năm 2000 về trước, các chi bộ rất ít đảng viên và khi đó xã cũng chỉ là chi bộ chứ chưa là đảng bộ. Vì thế, để thành lập được đảng bộ với 30 đảng viên thì phải động viên mọi người đi học cũng như tham gia lớp bồi dưỡng về đảng. Nhờ đó, dần dần cũng thành lập được đảng bộ. Khó khăn không kể hết được nhưng tôi phải cố gắng rất nhiều, tìm được nhân tố nào đáp ứng yêu cầu là tôi động viên để họ phấn đấu vào Đảng.
Con trai, con gái người La Hủ, đặc biệt là người Mảng trước những năm 2015, cứ đi học cho biết mặt chữ rồi nghỉ học, 13 - 15 tuổi lập gia đình, từ đó trở đi quẩn quanh với việc đào củ măng, củ sắn trong rừng, không biết trồng lúa nước, quen với cảnh nghèo đói. Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì nhận thức về Đảng của đồng bào hẳn là chưa thể đầy đủ, họ không mấy mặn mà với việc vào Đảng. Hơn nữa, đó còn chưa tính đến những điều lệ của Đảng, các đối tượng kết nạp Đảng phải học hết bậc Trung học cơ sở, không vi phạm chính sách dân số... Trong khi đó, hầu hết người Mảng, La Hủ và nhiều dân tộc khác ở đây trình độ văn hóa còn thấp, đa số đều sinh từ 3 đến 4 con trở lên.
Vì vậy, tìm được những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng là những tháng ngày nhọc nhằn của ông Ly Sạ Pu cũng như tập thể Đảng ủy xã Pa Ủ. Ông Phạm Hồng Bình, Phó bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Tiêu chuẩn để kết nạp đảng ngày càng nâng lên, lực lượng dự nguồn cũng càng ngày càng khó vì nhiều cháu người địa phương trội hẳn lên thì đi học tiếp ở các trường chuyên nghiệp, không ở địa phương, còn những cháu học xong THCS khi Đảng ủy theo dõi đủ điều kiện lại đi lấy chồng hoặc đi làm ăn xa nên cũng chưa thể bồi dưỡng, kết nạp đảng ngay được.
Gắn bó với mảnh đất biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè còn nhiều khó khăn, với trên 81% hộ nghèo, các chiến sỹ biên phòng Lai Châu đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung phát triển kinh tế; nâng cao đời sống cho nhân dân bằng những chương trình cụ thể, cầm tay chỉ việc như: trồng lúa nước, nuôi bò sinh sản, trồng sa nhân, tam thất…..Từ cách làm đó, đã nhân rộng mô hình kinh tế mới, nhân tố mới, tích cực, vận động quần chúng phấn đấu nhiều hơn nữa để kết nạp vào đảng.
Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn biên phòng Pa Ủ cho biết: Đơn vị đã phân công trực tiếp 11 cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại 11 chi bộ bản để nắm tình hình, kết quả hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, chúng tôi tham mưu, đề ra những hoạt động thiết thực gắn kết với tình hình thực tế tại địa bàn và dân cư ở các bản đó để củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt của chi bộ thôn bản và phát triển kinh tế cho bà con.
Hôm nay người dân La Hủ đã từ bỏ tập tục phát nương trọc lỗ bỏ hạt, thay vào đó là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước. Bà con không còn thả rông con gà, con lợn như trước để thay bằng đàn bò có chuồng, có vùng chăn thả theo mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
Như lời Thiếu tá Ngô Văn Phương chia sẻ: Bộ đội biên phòng đã bám bản kiên trì “4 cùng” với đồng bào, để rồi “mưa dầm thấm lâu”, đồng bào đã thay đổi từ nhận thức đến hành động và hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể, từ đó ở nhiều bản làng đã có những đảng viên, quần chúng là triệu phú.
Cô giáo Ngô Thị Hà, điểm bản Pha Pu, Trường Mầm non Pa Ủ đã có 15 năm bám bản cùng người La Hủ, người Mảng, với vai trò giáo viên kiêm tuyên truyền viên. Trước đây mỗi khi vào mùa làm nương, đồng bào La Hủ đi rừng là học sinh của cô lại rơi rớt cùng. Nhiều hôm lên lớp ngồi chờ mà không có cháu nào đến, cô lại cùng các thầy, cô giáo ở bản trèo đèo, lội suối đi tìm học sinh. Cứ thế mùa làm nương của người dân địa phương đã trở thành mùa “níu” chân học sinh của các thầy cô nơi đây.
Cô giáo Hà chia sẻ: Mấy năm nay đã có thay đổi nhiều, các cháu cũng nói được nhiều tiếng phổ thông hơn. Giao tiếp thì mạnh dạn, tự tin, tự giác đi học, các thầy giáo, cô giáo không còn phải lôi kéo khi các cháu khóc nằng nặc theo bố mẹ lên nương. Bà con bây giờ cũng nhận biết được tầm quan trọng của giáo dục, nên đưa con đi học đều. Phụ huynh ở đây bây giờ cũng rất quan tâm đến con em mình, kinh tế thì chịu khó làm ăn, chứ không di cư như ngày xưa.
Bám bản, bám biên giới, đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, cống hiến cả tuổi thanh xuân, những người như ông Ly Sạ Pu cùng các chiến sỹ biên phòng và các thầy cô giáo vùng cao đã góp phần rất lớn vào việc gieo mầm, ươm mầm những đảng viên ưu tú nơi bản làng xa xôi…..
Chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, đảng bộ xã Pa Ủ đã kết nạp được 37 đảng viên. Không có những đảng viên tâm huyết, trách nhiệm, chắc khó có những đảng viên trẻ được kết nạp, chi bộ mới được thành lập ở vùng heo hút, xa xôi này.
Cùng xem một số hình ảnh về những nỗ lực tìm nguồn đảng viên mới trong vùng đồng bào dân tộc La Hủ và Mảng ở Pa Ủ
Thanh Thủy, Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận