Vừa qua, Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã triển khai dự án “Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của Phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Dự án này đã xác định được những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn của các tổ nhóm, doanh nghiệp địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và phục hồi chậm, qua đó rút ra được các bài học thực tiễn tốt của các tổ nhóm, doanh nghiệp địa phương đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt trong quá trình cách ly và phục hồi sau khi dỡ bỏ các yêu cầu giãn cách xã hội.
Xã Đắk Nia, huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông được được biết đến với nghề dệt thổ cẩm khá nổi tiếng. Các sản phẩm thổ cẩm tinh xảo dưới đôi tay của các mế, các chị em người M’nông càng trở nên đặc sắc hơn. Các sản phẩm thổ cẩm này không những giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy việc kinh doanh, giúp bà con trong xã có thêm thu nhập. Nhận thấy tiềm năng và hiệu quả của nghề, các chị em trong xã đã tiến hành thành lập tổ hợp tác với tên gọi tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia.
Sản phẩm của tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia trưng bày tại hội thảo.
Chị H’Bình, Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia chia sẻ: Tổ hợp tác có 8 chị em, đều là người M’nông. Các chị em tham gia tổ hợp tác đã có hơn 10 năm dệt thổ cẩm, thậm chí có chị có tới 30 năm, nên thành tạo với nghề, sản phẩm cũng vì thế mà vô cùng đẹp mắt. Các chị không chỉ dệt nhanh mà có nhiều sáng tạo trong dệt các hoa văn. Bên cạnh giữ gìn những hoa văn truyền thống của các dân tộc thiểu số, các thành viên còn dệt những hoa văn mang tính hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Những năm gần đây, hàng hóa được tiêu thụ ổn định, thu nhập của chị em cũng tăng lên. Thế nhưng từ khi đại dịch covid 19 xảy ra, tổ hợp tác đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, hàng hóa ứ đọng, việc vận chuyển khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Toản, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dược liệu, dịch vụ thương mại Thịnh Phát ở Thôn 1B, Xã Quảng Sơn, Huyện Đắk Glong, Đắk Nông cho biết: là hợp tác xã đa ngành nghề, liên kết với nhiều hộ dân trong toàn xã trong việc phát triển trồng cây dược liệu, cà phê, hồ tiêu, bơ và các loại trái cây hay rau củ quả với diện tích hàng trăm hecta cũng ảnh hưởng không nhỏ trong mùa dịch. Không tiêu thụ được dẫn đến việc thanh toán tiền nhân công, tiền lương cho người lao động trong hợp tác xã cũng chậm hơn dự kiến. Việc sản xuất – kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Nông nghiệp Tây Nguyên hiện đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường cả nước và thế giới như cà phê, hồ tiêu, chè, hạt điều… Tuy nhiên, Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và xuất khẩu ở thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, việc tập trung nguồn lực cùng sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, về vốn sẽ là cơ hội để bà con vượt qua được khó khăn này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty hỗ trợ phát triển xanh (Green HTV), đơn vị tư vấn cho chương trình phát triển LHQ UNDP cho biết, Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của Phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi Covid-19” được triển khai ở tỉnh Đắk Nông có số vốn là 1 tỷ 400 triệu đồng, đã được triển khai từ tháng 9/2020, dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Đây có thể coi là cơ hội để hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các chị em phụ nữ là người dân tộc thiểu số trong các tổ nhóm, hợp tác xã…phục hồi và phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Dự án sẽ là động lực để chị em người DTTS vượt qua đại dịch.
Chị Lê Thị Lina cán bộ truyền thông giảm nghèo, Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết: tỷ lệ phụ nữ của tỉnh chiếm khoảng 49 % dân số, trong đó có khoảng 43% phụ nữ DTTS, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm ngoái, trên toàn tỉnh có trên 17.000 hộ nghèo, chiếm gần 11%, trong đó hộ nghèo là người đồng bào DTTS chiếm hơn 24. Việc hình thành các tổ nhóm sản xuất như hiện nay đã và đang góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, song từ khi đại dịch covid 19, mọi kế hoạch, mục tiêu đều ảnh hưởng, do vậy, với sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước đã phần nào giúp người dân vực dậy. Và dự án “Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của Phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi Covid-19” là một chương trình hiệu quả. Có thể coi đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, đồng thời, tạo cơ hội để các tổ, nhóm gặp gỡ và chia sẻ các bài học kinh nghiệm tốt trong việc ứng phó với Covid 19, mục tiêu cuối cùng cần đạt được là hướng tới tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người nghèo, tạo việc làm đem lại thu nhập cho người nghèo, trong đó, ưu tiên người nghèo dân tộc thiểu số.
Nông nghiệp Tây Nguyên hiện đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường cả nước và thế giới như cà phê chiếm đến 94% sản lượng của cả nước, bên cạnh đó là hồ tiêu, chè, hạt điều ... Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên toàn thế giới, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản khu vực Tây Nguyên. Do vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước chính là “đòn bẩy” để có thể giúp người dân vượt qua khó khăn lúc này.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận