Hy vọng trên vùng hạn Ninh Thuận
Thứ năm, 00:00, 19/01/2017

(VOV) - Năm qua, tỉnh Ninh Thuận chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng biến đổi khí hậu. Hoạt động sản xuất nông nghiệp không thuận lợi. Nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương đã cơ bản vượt qua khó khăn, ổn định đời sống của người dân.

 

Cánh đồng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, từng là nơi khô cằn trong ba năm liên tiếp, nay đã xanh lên sức sống. Anh Khế Văn Đoán cặm cụi nhổ cỏ trên ruộng lúa gần một tháng tuổi của gia đình. Vụ này có mưa, nên gia đình anh trồng lúa. Còn vụ đông xuân trước, trên 5 sào đất, anh dành một nửa trồng đậu xanh và một nửa trồng cỏ nuôi cừu. Hai sào rưỡi đậu xanh cho thu nhập gần 6 triệu, còn cỏ, anh vừa chăn nuôi, vừa bán được gần 5 triệu đồng.

 

Anh Khế Văn Đoán là một trong số hàng ngàn nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Ninh Thuận. Trong năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 2.000 ha lúa nước sang trồng các loại cây chịu hạn như: mè, bắp lai, đậu xanh... Những diện tích chuyển đổi được Nhà nước hỗ trợ cấp giống và tập huấn kỹ thuật. Nhiều diện tích thay vì bỏ hoang đã được nông dân canh tác trở lại.

 

Ông Chamalé Phán, dân tộc Raglây, có 6 ha đất. Chuyển qua trồng bắp, đậu xanh và đậu ván, gia đình ông Phán không bị thiếu đói như hai mùa hạn trước. Trong nhà ông, gạo đã đầy gùi, an tâm đón Tết. Đủ cái ăn cái mặc, ông tin tưởng hơn vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

 

Cho kịp thời vụ, những ngày giáp Tết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận triển khai các mô hình trồng mè, trồng đậu xanh và bắp chịu hạn ở các huyện: Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Phước. Anh KaTơh Thiên, ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, được cán bộ khuyến nông đến tận nhà vận động. Gặt xong 4 sào lúa mùa kém hiệu quả, anh sẽ làm mới đất để xuống giống cây mè với hy vọng có thu nhập cao hơn trong năm mới.

 

Ninh Thuận có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất nước. Với lượng mưa xấp xỉ 700mm/năm, địa phương luôn trong bối cảnh thiếu nước do hạn hán. Toàn tỉnh có 20 hồ chứa với tổng dung tích 192 triệu m3, chỉ đáp ứng tưới 30% nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng luôn là vấn đề bức thiết.

 

Năm mới 2017, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Vụ đông xuân sẽ chuyển đổi 1.500 ha và cả năm là 2.000 ha sang trồng các loại cây trồng cạn đã cho hiệu quả như: bắp lai, bắp nếp, đậu xanh, mè đen, cỏ chăn nuôi và các các loại cây đặc sản khác.

 

Qua 1 năm kinh nghiệm, năm mới này, công tác chuyển đổi sẽ được thực hiện bài bản hơn, quy mô hơn. Theo ông Trần Quốc Nam, đó là đưa hàm lượng khoa học vào trong quá trình sản xuất, kể cả khâu giống. Giống phải đạt tiêu chuẩn tốt. Trong quá trình sản xuất, các đơn vị khuyến nông và doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất. Tỉnh đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào cuộc, ký kết hợp đồng thu mua, để nông dân có đầu ra bền vững.

 

Một khi thích ứng với biến đổi khí hậu, những cánh đồng thiếu nước rồi đây vẫn sẽ nở hoa, mang về kết quả tốt đẹp cho bà con nông dân trong mùa thu hoạch mới. 


Nông dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, trồng đậu ván chịu hạn

Bắp lai chịu hạn trên vùng cao Bác Ái

Cán bộ khuyến nông vận động anh Katơh Thiên chuyển đổi trồng lúa sang trồng mè

 

 

 

Việt Quốc/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC