Khởi nghiệp trong vùng dân tộc thiểu số: Nhìn đâu cũng thấy tiền
Thứ năm, 00:00, 04/05/2017 Nhung bài Nhung bài

VOV4.VN - Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã thành lập một tổ công tác về việc hỗ trợ người dân miền núi khởi nghiệp, gọi là tổ công tác 569, với quyết tâm thay đổi nhận thức của chính bà con dân tộc thiểu số về vấn đề khởi nghiệp và coi đây là chìa khóa để xóa nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số.

 

Tư duy khởi nghiệp

 

Khảo sát tại 8 tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Hà Giang, Yên Bái, Sơn La,Lào Cai, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắc cho thấy: Hiện có vài chục cơ sở, cá nhân khởi nghiệp, trong đó đa số là tổ hợp tác và hợp tác xã.

 

Riêng tại địa bàn huyện Sa pa, tỉnh Lào Cai, điểm du lịch nổi tiếng nhất khu vực phía Bắc, có hàng ngàn cơ sở kinh doanh, nhưng rất hiếm cơ sở kinh doanh là của bà con dân tộc thiểu số. Một số cơ sở tồn tại và phát triển được, đều ít nhiều có sự phối hợp và được sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, như Sapa OChâu, Sapa Napro, tinh dầu Cát Cát hay Homestay Lao Chải, Tả Van…

 

Căn nhà được xây dựng để phục vụ khách du lịch ở Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: BP

 

Tinh thần khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc đang được Ủy ban Dân tộc  nỗ lực thúc đẩy với một tinh thần mới. Trước tiên là nhận thức về tiềm năng. Ông  Hà Việt Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, tổ trưởng tổ công tác 569 của Bộ trưởng về thúc đẩy khởi nghiệp trong vùng dân tộc thiểu số, phân tích: “Đồng bào dân tộc thiểu số có cái thuận lợi, đó là môi trường văn hóa đa dạng, cũng như những tri thức bản địa, những sản vật truyền thống của đồng bào là nền tảng cực kỳ tốt cho các ý tưởng kinh doanh”.

 

Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch sáng lập Công ty cổ phần Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, thì nhìn nhận: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì việc phát triển tài sản trí tuệ rất được tôn trọng. Bà con dân tộc thiểu số có rất nhiều nét đặc trưng về mặt văn hóa, về tài nguyên rừng, rất thuận lợi cho việc xây dựng, khai thác hệ thống sản phẩm dịch vụ và đưa các sản phẩm đó hội nhập với quốc tế”.

 

Một số chuyên gia nông lâm nghiệp thì chỉ ra rằng: một thế mạnh rất lớn ở vùng dân tộc thiểu số mà nhiều ý tưởng khởi nghiệp có thể hình thành là phát triển vùng nguyên liệu trồng dược liệu và chế biến các sản phẩm từ dược liệu. Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm trong nước hiện nay đang rất cần những sản phẩm sạch và thị trường Asean, khi chúng ta đẩy mạnh hội nhập, cũng là một cơ hội mới nếu sản phẩm hàng hóa của vùng dân tộc thiểu số đảm bảo chất lượng.

 

Làm sao để đưa tiền nhìn thấy vào trong túi?

 

Câu chuyện về liên kết hiện mới dừng ở mức có "liên", nhưng chưa thực sự "kết", chính là một nút thắt, làm cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp chết yểu ngay trong trứng nước. Vậy nên đẩy mạnh khởi nghiệp trong vùng dân tộc thiểu số phải gỡ được nút thắt này. Nhìn từ lĩnh vực mạnh nhất là du lịch,cần phải có tư duy mới về liên kết, mà nôm na chính là cách chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng có điểm du lịch đó.

 

Mô hình 4 nhà, mối liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nói thì dễ, nhưng thực sự kết được với nhau không hề đơn giản. Vậy nên phải thêm một nhà nữa để làm “nhà keo” kết dính 4 nhà này lại với nhau, đó là nhà tư vấn. Qua thực tế tư vấn cho 6 ý tưởng khởi nghiệp thành công ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, ông  Phạm Bá Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thung lũng dược phẩm xanh Việt Nam, chia sẻ: “ Nhà  tư vấn này là trung gian, tìm hiểu nhu cầu thế mạnh của các bên để liên kết các bên lại với nhau. Ví dụ như bây giờ người dân thiếu vốn chẳng biết kêu ở đâu, thì nhà tư vấn đi hỏi ngân hàng xem hỗ trợ như thế nào. Hoặc là người khởi nghiệp không biết nhà khoa học nào có thể giúp về công nghệ, mà bà con có biết thì cũng rất ít người dám vào các trường đại học nhờ giúp. Vậy nên nhà tư vấn sẽ hỗ trợ".

 

Hiện nay, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho vùng dân tộc thiểu số không thiếu, nhưng các chính sách còn rời rạc, thiếu tính hệ thống, thậm chí chính sách nọ còn chồng chéo lên chính sách kia. Khắc phục vấn đề này, tổ trưởng tổ công tác 569 của Bộ trưởng về thúc đẩy khởi nghiệp  trong vùng dân tộc thiểu số đang rà soát lại, tìm điểm liên thông giữa các chính sách và tổ chức nguồn nhân lực hỗ trợ bà con tiếp cận những chính sách đó dễ dàng hơn.

 

 

Hồng Nhung/VOV4

 

 

Nhung bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC