Khởi nghiệp từ cây ớt rừng
Thứ năm, 00:00, 12/09/2019 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Khởi nghiệp không phụ thuộc tuổi tác, đó là khẳng định của chị Bùi Thị Ngợi, cán bộ Hội phụ nữ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình khi chia sẻ về mô hình khởi nghiệp từ cây ớt rừng của quê hương.

Chị Bùi Thị Ngợi ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình kể với mọi người câu chuyện khởi nghiệp từ cây ớt rừng của mình như thế này: cái duyên đưa chị đến với cây ớt rừng nó bình dị như chính cuộc sống của bà con nghèo nơi đây. Từ nhỏ, chị Ngợi đã theo cha mẹ lên rừng hái ớt, biết được vị cay dịu, thơm giòn đặc trưng của cây ớt qua những món ăn mẹ nấu, lớn lên vẫn không thể quên mùi vị quen thuộc ấy, và thế là  chị gắn bó với cây ớt. Say mê với những trái ớt nhỏ xinh đã khiến chị có ý tưởng phát triển cây ớt thành sản phẩm hàng hóa. Và ý tưởng đó của chị Ngợi thật không ngờ lại được các chị em trong chi hội hưởng ứng. Và niềm vui lại cứ thế nhân lên, khi mà mô hình khởi nghiệp từ cây ớt rừng của chị trở thành một phần của phong trào khởi nghiệp ở huyện Lạc Sơn, với sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số nghèo.

Mô hình ớt rừng của chị Ngợi đã đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cho chị em phụ nữ của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với số tiền thưởng 157 triệu đồng. Nguồn vốn này được các chị em trong nhóm sử dụng khá hiệu quả để phát triển mô hình.

Chị Bùi Thị Ngợi, nhóm khởi nghiệp từ cây ớt rừng. Ảnh VP

Gian nan trong những ngày đầu luôn xuất hiện ở hầu hết các mô hình khởi nghiệp. Chuyện trồng ớt của chị Bùi Thị Ngợi và các thành viên cũng vậy, khó khăn chồng chất khó khăn. Chị em lo lắng bởi không biết sản phẩm có được đón nhận hay không. Cùng nỗi lo với chị em, nhưng chị Ngợi vẫn quyết tâm kiên trì thuyết phục các chị em khác, rằng: gian nan rồi sẽ qua. Chị Ngợi  tích cực học hỏi kinh nghiệm rồi tìm kiếm thị trường tiêu thụ và rồi sản phẩm tiêu thụ khá tốt được chị em tin tưởng và hưởng ứng.

Hiện nay, diện tích trồng ớt của nhóm ớt rừng Lạc Sơn của chị Bùi Thị Ngợi và các thành viên có  khoảng 3.000 m2, với sản lượng đạt gần 700kg. Giá bán ớt tươi khoảng 120 nghìn đồng/kg, đã và đang mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. Mặc dù là nghề phụ nhưng lại là nguồn thu nhập chính cho chị em phụ nữ ở Lạc Sơn.

Theo tính toán của chị Ngợi, mỗi thành viên của nhóm có thể thu về khoảng 45 triệu/năm. Đây thực sự là cây trồng tiềm năng để cho chị em phụ nữ ở Lạc Sơn vươn lên thoát nghèo. Còn với riêng chị Ngợi, năm nay đã gần 50 tuổi và hiện là Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ huyện Lạc Sơn, công việc huyện hội chiếm nhiều thời gian, song với niềm đam mê với cây ớt rừng, chị vẫn tiếp tục đồng hành cùng các chị em phụ nữ nghèo, giúp họ có cơ hội vươn lên. Theo chị Bùi Thị Ngợi, khởi nghiệp hiện nay cần sự mạnh dạn, tự tin, và đặc biệt là sự đồng lòng nếu là một nhóm cùng khởi nghiệp và với chị Ngợi, khởi nghiệp không có tuổi, ai cũng có thể khởi nghiệp nếu có ý tưởng và sự quyết tâm.

Ớt rừng sản phẩm đặc trưng của nhóm khởi nghiệp ở Lạc Sơn

Các mô hình khởi nghiệp nói chung và mô hình của chị Bùi Thị Ngợi nói riêng tuy chưa phải đã thực sự thành công, chưa thực sự chiến thắng, song các chị đã chiến thắng được chính bản thân mình, không còn tự ti mà đã mạnh dạn hơn, dám nghĩ dám làm, không còn sự e ngại khi được tư vấn, hỗ trợ. Từ đó, phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có của chị em người dân tộc thiểu số. Nếu có nhu cầu tìm hiểu cũng như mong muốn được cộng tác tiêu thụ sản phẩm ớt rừng từ nhóm khởi nghiệp của chị Bùi Thị Ngợi có thể liên hệ theo số máy 0982.162.237 hoặc email: buithingoi@gmail.com. Nếu quý vị và các bạn muốn  học hỏin inh nghiệm trồng và bảo quản sản phẩm đặc trưng  ớt bản địa Lạc Sơn, thì chị  Bùi Thị Ngợi cũng rất sẵn sàng.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC