Kon Tum tìm chỗ đứng cho dược liệu bản địa
Thứ tư, 00:00, 14/06/2017
VOV4.VN - Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy Kon Tum có trên 800 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc. Trong đó nhiều loài có giá trị dược liệu, kinh tế cao, như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử… Các bệnh viện trong tỉnh năm nào cũng phải mua nhiều loại dược liệu, nhưng không hề có một vị thuốc địa phương nào lọt được vào kho thuốc của các cơ sở y tế này.

 

Cùng với sâm Ngọc Linh từ lâu đã được các nhà khoa học khẳng định là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới, Kon Tum còn có đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến… là những vị thuốc quý . Thế nhưng tiềm năng dược liệu này chưa được khai thác hiệu qủa. Không những thế, nguồn dược liệu bản địa còn đứng trước nguy cơ cạn kiệt và mất thương hiệu bởi nạn khai thác theo kiểu tận diệt.

 

Trăn trở với việc nâng tầm giá trị cho cây dược liệu bản địa, lấy ví dụ cụ thể là cây lan kim tuyến, ông  Phạm Thanh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, tỉnh Kon Tum, khẳng định: “Nhu cầu cây lan kim tuyến trên thị trường rất là lớn. Hiện tại các đầu lậu thu mua ráo riết. Hầu hết thu mua để xuất qua Trung Quốc, chứ còn để chế biến thuốc tại chỗ thì chưa có”.

 

Nhân giống thành công cây lan kim tuyến tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen

 

Dù có trên 800 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc, song hiện nay ở tỉnh Kon Tum, có rất ít cây thuốc được bào chế đảm bảo các yêu cầu của ngành y tế để lưu thông trên thị trường. Bởi vậy, dẫu giá bán tại nơi trồng có cao gần gấp rưỡi so với nơi khác, song đảng sâm, ngũ vị tử… của địa phương này chủ yếu được người mua mang về ngâm rượu hay đun nước uống. Ngay cả với cây sâm quý Ngọc Linh, dù là đặc hữu, dù giá trị bổ dưỡng vượt trội hơn nhiều loại sâm tốt trên thế giới, nhưng hiện tại tỉnh Kon Tum vẫn chưa có dược phẩm bào chế từ sâm Ngọc Linh.

 

Có một thực tế trớ trêu hơn, là dù sở hữu nguồn dược liệu phong phú, song không có bất cứ vị thuốc bản địa nào lọt được vào các kho thuốc của ngành y tế địa phương. Tại Bệnh viện y dược cổ truyền Kon Tum, thông qua các cuộc đấu giá, mỗi năm đơn vị này phải dùng số tiền lớn để mua dược liệu. Cụ thể, như năm 2016 là gần 1,4 tỷ đồng; quý I năm 2017, trên 250 triệu đồng. Trớ trêu là trong hàng chục vị thuốc phải mua, nhiều vị như đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử… địa phương sẵn có, dược tính còn tốt hơn, song đơn vị này đành phải bỏ qua nguồn dược liệu địa phương bởi những quy định chặt chẽ của Luật đấu thầu do tỉnh chưa có cơ sở bào chế dược liệu đủ điều kiện.

 

Bác sĩ Đặng Minh Hải, Giám đốc Bệnh viện y dược cổ truyền Kon Tum, cho biết: "Theo Luật đấu thầu thì không được. Thứ hai, gọi là dược liệu, nhưng để trở thành thuốc thì phải qua bào chế. Phải có cơ sở bào chế đảm bảo chất lượng để đưa vào điều trị cho người bệnh. Thành thử cái khó bây giờ không thể nào mua ở tỉnh mình được”.

 

Vườn dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông

 

Trước xu thế số người có nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền ngày càng tăng, dẫu muộn song tỉnh Kon Tum cũng đang có những bước đi cụ thể để bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn dược liệu tại chỗ. Tại những địa phương có thế mạnh phát triển cây dược liệu là Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăc Glei, tỉnh đã quy hoạch và thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp phát triển cây dược liệu, như tạo điều kiện về thủ tục, cho vay vốn ưu đãi, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ giống vốn.v.v.

 

Và để dược liệu trở thành thuốc chữa bệnh, vấn đề hình thành các cơ sở bào chế dược liệu cũng đang được tính tới. Xác định cây dược liệu là thế mạnh và đã quy hoạch vùng sản xuất quy mô 500ha cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết: “Hiện nay có những doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty chế biến tại khu vực Kon Plông. Đang trình thủ tục cho tỉnh. Sẽ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, đăng ký sản xuất theo quy trình”.

 

Đề án quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đang được tỉnh Kon Tum xây dựng. Với gần 400ha cây dược liệu hiện có cộng với những thành công bước đầu trong nhân giống nhiều cây thuốc quý, như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, lan kim tuyến… đây là tiền đề quan trọng để hi vọng tiềm năng dược liệu của tỉnh Kon Tum không chỉ mãi là tiềm năng.

 

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC