Nét đẹp độc đáo trên rẻo cao Tây Bắc
Thứ ba, 14:15, 03/01/2023  Thanh Thủy, Lê Hạnh/VOV Tây Bắc  Thanh Thủy, Lê Hạnh/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Nhà có số, đường có hoa... điều tưởng chừng chỉ thấy ở phố thị lại hiện hữu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông trên rẻo cao Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cùng với đó là những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con, tạo nên nét độc đáo cho bức tranh xuân vùng cao Tây Bắc.

Nằm cách trung tâm huyện Mộc Châu gần 20km, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc có một không gian bình yên và thơ mộng, khác xa những tấp nập, ồn ào nơi phố thị. Dạo bước trên con đường bê tông mới, hít thở bầu không khí trong lành, hòa mình vào tiếng khèn Mông dìu dặt và thu vào tầm mắt là sắc mận tinh khôi phủ lấy những mái nhà.

Điều ấn tượng nhất là chiếc biển số được gắn ngay ngắn trên cửa mỗi căn nhà gỗ truyền thống - hình ảnh hiếm thấy ở những bản làng vùng cao Sơn La, nhất là với đồng bào dân tộc Mông. Ấy vậy mà ở Tà Số 2, những nếp nhà dù lớn hay nhỏ đều được đánh số theo thứ tự, như minh chứng cho những đổi thay trong cuộc sống của bà con, không còn du canh du cư, nay đây mai đó…

Anh Mùa A Hạng, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc chia sẻ, Khi được chính quyền gắn biển số nhà, mình biết là địa điểm của mình là ở đây, yên tâm sinh sống và mình cũng tự hào hơn với mảnh đất quê hương mình.

Việc thay đổi nhận thức vốn in sâu tự bao đời của đồng bào Mông để an cư, lạc nghiệp là điều không hề dễ dàng. Bởi vậy, mỗi ngôi nhà được gắn biển số không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với người dân nơi đây, mà còn giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thuận lợi trong quản lý dân cư, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu cho biết: Trước đây, người Mông chủ yếu sống ở vùng núi cao, nay họ tập trung về sống ở bản, làm nhà giống nhau. Để phân biệt được các nhà, cũng để dễ nhớ vì nhiều tên người Mông hay trùng nhau, xã đã đăng ký với phòng kinh tế hạ tầng huyện để đánh số nhà theo thứ tự của từng nhà, tuyến đường. Việc gắn biển số còn giúp bà con nhận thức được là bây giờ không tự ý chuyển nhà, du canh du cư trong rừng, mà sống tập trung, để phát triển kinh tế, đặc biệt là để phát triển du lịch cộng đồng.

Từ khi bản Tà Số 2 được huyện Mộc Châu lựa chọn xây dựng bản du lịch cộng đồng, nếp nghĩ, cách làm của bà con cũng đã đổi thay; thay vì chỉ miệt mài canh tác trên núi cao, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; chỉ biết trồng cây ngô, rong giềng, thu nhập thấp, cái đói, cái nghèo đeo bám triền miên. Giờ đây, bà con đã biết trồng cây ăn quả, trồng mận, trồng đào; vừa có thêm thu nhập từ bán quả, lại thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn mỗi mùa hoa nở. Cũng nhờ đó, cuộc sống của bà con ngày một khởi sắc; cả bản có 140 hộ, nay chỉ còn 2 hộ nghèo; thu nhập bình quân mỗi năm từ 28 - 35 triệu đồng/người.

Ông Mùa A Lứ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Số 2 cho biết: Thực hiện chủ trương của nhà nước phát triển du lịch; Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền nhân dân trong bản trang trí nhà cửa, vệ sinh môi trường, trồng cây, hoa dọc tuyến đường xung quanh nhà ở. Rất may là hầu hết bà con đèu đồng tình, hưởng ứng. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền của người Mông vào tháng 12 dương lịch hàng năm, khách đến có thể trải nghiệm nhiều nét văn hoá độc đáo và vui với bà con.

Nắm bắt được thị hiếu của du khách khi vừa muốn đắm mình trong sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận xen lẫn sắc hồng của cánh đào xuân, vừa mong muốn được khám phá văn hóa dân tộc bản địa; anh Mùa A Hạng và nhiều gia đình ở Tà Số 2 đã mạnh dạn đầu tư làm homestay cùng nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Anh Mùa A Hạng chia sẻ, Mình bắt đầu đón khách từ tháng 11 năm 2021 vào mùa hoa mận đầu tiên. Khách đến đây, ngoài tham quan bản làng còn được trải nghiệm giã bánh dày, ném pao, đi bộ xuyên rừng, thưởng thức ẩm thực như lợn, gà, cải mèo, bánh dày… Mình tự làm một hướng dẫn viên địa phương, dẫn khách đi và giới thiệu bản sắc văn hóa của người Mông chúng mình đến với mọi người.

Với du khách, một trong những trải nghiệm thú vị khi đến đây là được mặc lên mình bộ trang phục của dân tộc Mông và trực tiếp tham gia các công đoạn làm nên một bộ váy, áo truyền thống.

Ngay từ khi mới 4-5 tuổi, những bé gái người Mông đã được làm quen với từng đường kim, mũi chỉ, để rồi khi lớn lên sẽ dần quen với cách thêu, may, tự làm trang phục cho bản thân và gia đình. Chị Sùng Y Hoa, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc cho biết, cách thêu thùa từ ngày xưa ông bà đã dạy, bây giờ thế hệ trẻ chúng tôi vẫn giữ gìn, có thêm những hoa văn họa tiết mới đẹp hơn, đặc sắc hơn. Có du lịch rồi thì chúng tôi còn có thêm nguồn thu từ may túi, vỏ gối, khăn để làm quà tặng cho du khách...

Khi sắc màu thổ cẩm rực rỡ trong những bộ trang phục mới; tiếng khèn gọi bạn hòa cùng tiếng chày giã bánh rộn ràng; câu chuyện về chiếc áo ấm, bữa cơm no vang vọng một khoảng trời... cũng là lúc “Tết sớm” gõ cửa Tà Số cũng như những bản làng dân tộc Mông trên rẻo cao Tây Bắc. Xuân mới cũng sẽ đặc biệt hơn khi bà con được đón du khách gần xa ghé thăm miền quê thanh bình, mến khách này./.

Một số hình ảnh về những đổi thay ở Tà Số:

 

 Thanh Thủy, Lê Hạnh/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC