(VOV) - Ngày 16/1 tới, huyện A Lưới sẽ tổ chức đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề dệt Zèng. Đây là nghề truyền thống của phụ nữ Tà Ôi.
Sau một thời gian dài nghề truyền thống này bị mai một, gần 10 năm trở lại đây, huyện A Lưới đã khôi phục nghề dệt zèng, vừa giúp đồng bào gìn giữ nét văn hóa truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm ổn định.
Những tấm zèng không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Loại thổ cẩm này được tạo nên từ các nguyên liệu như sợi, hạt cườm, lục lạc…
Những năm đầu khi chuyển sang cơ chế thị trường, nghề dệt zèng của người Tà Ôi ở A Lưới bị thu hẹp. Chỉ còn một bộ phận người dân vẫn sử dụng sản phẩm dệt zèng. Thời gian gần đây, người dân Tà Ôi thoát nghèo nhờ nghề dệt zèng.
Nghề dệt zèng truyền thống của người Tà Ôi ở A Lưới đã tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ
Nghệ nhân Mai Thị Hợp, ở thị trấn A Lưới, bộc bạch: "Mình rất tự hào người phụ nữ Tà Ôi dệt được sản phẩm Zèng, vừa may mặc vừa bán. Làm thế nào để thị trường để biết tên sản phẩm và tôn vinh sản phẩm của mình".
Những năm qua, huyện A Lưới tổ chức dạy lại nghề dệt zèng cho phụ nữ. Nhiều gia đình lại dệt zèng. A Lưới đã hình thành 5 tổ hợp dệt zèng ở các xã Phú Vinh, A Ðớt, xã Nhâm và thị trấn A Lưới. Những tổ hợp dệt zèng tại các bản làng giữa Trường Sơn cũng là điểm đến hấp dẫn với du khách.
Ông Hồ Văn Nia, Trưởng thôn A Hưa, xã Nhâm, cho biết: "Người dệt zèng bữa ni tập trung thành một cộng đồng, vừa thu hút cho du lịch, vừa là tạo việc làm cho phụ nữ. Đó là nghề nhẹ nhàng nhất họ làm mà được thu nhập cao".
Phụ nữ Tà Ôi dệt zèng
Sản phẩm zèng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Tà Ôi. Trong các lễ hội, đồng bào đặc biệt chú ý đến trang phục zèng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: "Chúng tôi cho khôi phục 2 làng nghề được tỉnh công nhận. Toàn bộ xã A Đớt là một làng nghề dệt Zèng và thôn A Hưa. Ngoài ra còn có xã A Ngo, Hồng Thái, A Roàng và một số xã khác. Chúng tôi sẽ tìm kiếm đầu ra chpo sản phẩm. Hàng ngày, chúng tôi khuyến khích bà con nên mặc những trang phục từ chất liệu zèng, thứ nhất là bảo tồn, thứ hai tạo ra nét đẹp về văn hóa".
Nét độc đáo và riêng biệt của zèng Tà Ôi là người dệt sẽ đưa cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì đính lên. Ðây là cách tạo hoa văn duy nhất bằng cườm, không tạo hoa văn bằng chỉ màu như dệt thổ cẩm ở các nơi khác. Với những giá trị độc đáo, cuối năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Viết bình luận