Người Chăm mở nhà hàng phục vụ khách quốc tế
Thứ hai, 00:00, 07/11/2016 P bt P bt

(VOV) - Người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy sở trường kinh doanh, tận dụng các cơ hội đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để làm giàu. Nhiều hộ đã mở nhà hàng Halal, cửa hàng bán trang phục cho người Hồi giáo...

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện có hàng ngàn hộ người Chăm kinh doanh, mở nhà hàng Halal, cửa hàng thời trang phục vụ người Hồi giáo từ các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Libi… đến. Nghề kinh doanh này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ làm giàu.


Riêng khu vực chợ Bến Thành, quận 1, có hàng chục nhà hàng Halal và cửa hàng thời trang dành cho người Hồi giáo của người Chăm.

 

Một góc xưởng sản xuất trang phục Chăm của ông Rohiem

 

Gia đình ông Iba Rohiem, ở quận Phú Nhuận, mở cửa hàng thời trang của người Hồi giáo tại chợ Bến Thành đã gần 10 năm nay. Ông không chỉ bán quần áo thời trang mà còn bán các loại trang phục lễ, khăn đội dành cho nữ, nón và sà rông dành cho nam người Hồi giáo.


Ông Rohiem cho biết, ban đầu, ông  làm các sản phẩm trên chỉ để bán thử. Về sau, thấy khách đặt hàng số lượng ngày càng lớn nên ông đã mở xưởng chuyên sản xuất trang phục, phục vụ khách du lịch Hồi giáo. Cửa hàng của ông thu nhập bình quân mỗi năm gần cả tỷ đồng. Ông tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

 

Chị Sa Roh đang kiểm tra món ăn của quán


Nhiều người Chăm đầu tư mở nhà hàng Halal chuyên bán các loại thực phẩm cho người Hồi giáo với hàng trăm món ăn, thức uống đặc trưng của người Chăm. Nghề này đã giúp nhiều người khấm khá.


Chị Saroh, chủ Quán ăn Halal 641 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, đã hơn 10 năm kinh doanh. Quán ăn của chị mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách nước ngoài: Campuchia, Malaysia, Indonesia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Libi… Gia đình chị Sa Roh thu nhập từ quán ăn trên dưới 100 triệu đồng/tháng.


“Các món ăn được du khách nước ngoài yêu thích như cà ri dê, cà ri bò, tung-lò-mò, cơm nị, hủ tiếu xào Malaysia... Nhân viên phục vụ quán ăn phải thạo tiếng Anh, tiếng Malaysia, để  giới thiệu cách chế biến, những gia vị để tạo ra các món ăn ngon, từ các loại rau củ quả đến nước chấm, để du khách yên tâm khi đến đây. Và, mình cũng có cơ hội quảng bá nét đặc sắc của các món ăn truyền thống người Chăm Việt Nam” – chị Sa Roh nói.

 

Đoàn khách Malaysia tại quán ăn 641 Halal

 

Theo ông Lý Du Sô, Trưởng ban đại diện Cộng đồng Chăm Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh, vốn sở trường kinh doanh, sống tại thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế của cả nước, nên người Chăm nhanh hòa nhập môi trường kinh doanh, phát huy ưu thế của mình:


“Hiện nay, người Chăm Hồi giáo tại thành phố Hồ Chí Minh có mối quan hệ thân thiết với bà con Chăm, cộng đồng Hồi giáo quốc tế, tạo những điều kiện thuận lợi kêu gọi, hợp tác hội nhập, góp phần xây dựng đất nước. Nguồn vốn của bà con ngoài vốn tự có, còn do thân nhân nước ngoài, cộng đồng Hồi giáo ở nước ngoài hỗ trợ. Không những tạo việc làm trong cộng đồng mà còn nâng cao trình độ cho người lao động, giao lưu văn hóa, biết nhiều ngoại ngữ”.

 

 

 

Ái Nghiêm/VOV-TP.HCM

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC