Bùi ngon hạt mắc ca Như Sa
Thứ hai, 16:39, 23/05/2022 Thu Ha bt- 3 ảnh kt Thu Ha bt- 3 ảnh kt
VOV4. VN - Với vị bùi kết hợp với hương thơm dịu, hạt mắc ca sấy của chị Nguyễn Lệ Như Sa ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi đang trở thành một sản phẩm được ưa chuộng ở địa phương. Đây là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

 

Tiếng lành đồn xa, sau khi nghe nhiều người nói về sản phẩm hạt mắc ca sấy Như Sa, tôi quyết định về xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi  để tìm hiểu và thưởng thức hương vị. 

Nhờ liên hệ trước, chị Võ Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y khi làm việc với tôi đã hào hứng vào ngay vấn đề: Năm vừa rồi, diện tích cây mắc ca của xã đạt 40,7 ha, tăng 15ha so với năm 2020. Từ khi có sản phẩm hạt mắc ca sấy Như Sa, bà con ở địa phương có thêm niềm tin vào việc trồng cây mắc ca hơn. Nếu việc sản xuất cây mắc ca tiếp tục hiệu quả, tôi tin rằng trong tương lai không xa, loại cây này sẽ là “chìa khóa” để nhiều hộ dân trên địa bàn có cuộc sống ấm no, ổn định.

Sau cuộc trò chuyện ngắn với chị Võ Thị Thu Hà, chúng tôi đến thăm vườn mắc ca của một số hộ dân trên địa bàn. Được quan sát tận mắt vườn mắc ca với những cây sinh trưởng tươi tốt, có tán lá dày, rộng, trong đó có nhiều cây cao ước khoảng hơn 15m, vượt sức tưởng tượng ban đầu của tôi.

Qua trao đổi với chủ vườn trực tiếp trồng và chăm sóc cây mắc ca, tôi biết thêm khá nhiều thông tin thú vị về loại cây này. Mắc ca là loại cây có xuất xứ từ Ô-xtrây-lia, được đưa về trồng thử nghiệm tại Việt Nam hơn 20 năm nay. Trong đó, vùng thích hợp nhất trồng mắc ca là Tây Bắc và Tây Nguyên.

Mắc ca là loài cây cho hạt, có giá trị kinh tế cao. Hạt mắc ca có nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng dầu tới 78%. Trong dầu mắc ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2% - rất cần thiết cho cơ thể. Nhân hạt mắc ca được dùng làm thực phẩm cao cấp, dầu được dùng trong các loại mỹ phẩm và được người tiêu dùng hiện ưa chuộng.

Bên cạnh đó, hạt mắc ca có chứa các thành phần như protein, vitamin, omega… rất tốt cho cơ thể. Chính vì thế, việc chế biến hạt mắc ca thành nhiều món ăn khác nhau từ lâu đã được nhiều người quan tâm. Vì vậy, việc hạt mắc ca sấy được sản xuất và chế biến trên địa bàn xã Pờ Y đã nhận được sự quan tâm, phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng trên địa bàn huyện và du khách địa phương.

Sau khi ghé thăm một số vườn mắc ca, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Lệ Như Sa – hộ đầu tiên chế biến sản phẩm hạt mắc ca sấy trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Cất lời chào thân thiện với khách, nhưng chị Sa không ngừng tay mà vẫn tiếp tục hí hoáy với phần việc đang dang dở.

Trong khi đôi tay thoăn thoắt đãi những hạt mắc ca trên mẹt, chị Sa trò chuyện: sắp tới có đoàn khách tham quan cột mốc 3 biên và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã ngỏ ý đặt mua sản phẩm hạt mắc ca sấy khô. Họ đặt lịch khi quay trở về sẽ ghé mua hạt mắc ca sấy với số lượng lớn để về làm quà. Chính vì vậy, tôi mới phải “chân trước đạp chân sau” thế này. Hạt mắc ca trên địa bàn vào mùa thu hoạch tầm khoảng tháng 9, tháng 10 (dương lịch) hàng năm. Tuy nhiên, may mắn là đợt vừa rồi, tôi thu mua được một số lượng hạt mắc ca ra trái vụ. Trông sản phẩm thế này, nhưng để chế biến cũng tốn nhiều công đoạn lắm đấy.

Lò sấy và dàn hong khô (sau lưng chị Sa) dùng để chế biến sản phẩm hạt mắc ca sấy. 

Tìm hiểu thêm về hạt mắc ca và quy trình chế biến, chị Sa cho hay: Hạt mắc ca khi chín có kích thước, độ tròn ổn định và khá đồng đều. Sau khi hái xuống, bên ngoài hạt mắc ca sẽ có một lớp vỏ xanh bao quanh. Người chế biến phải loại bỏ lớp vỏ xanh này trước. Sau đó, số hạt mắc ca này sẽ được trải dàn ra, phơi trên dàn máy cho hạt khô trong ít nhất 1 tuần. Đây là bước bảo quản hạt mắc ca để không bị hư hỏng trong quá trình đem đi sấy. Đồng thời, khâu này giúp hạt mắc ca sau khi chế biến sẽ có độ giòn, hương vị thơm hơn.

Tiếp đến là bước quan trọng nhất, sấy hạt mắc ca. Đây là khâu đòi hỏi người chế biến phải nắm vững quy trình và có kỹ thuật cao. Tùy vào độ ẩm của hạt khi thu mua về mà việc điều chỉnh nhiệt độ trong lúc sấy sẽ khác nhau. Đồng thời, quá trình sấy phải từ từ, không được quá nóng vội, bởi nhiệt độ cao sẽ làm hạt mắc ca mất chất dinh dưỡng.

Lựa theo yêu cầu của khách hàng mà người chế biến sẽ điều chỉnh thời gian và nhiệt độ sấy hạt mắc ca cho phù hợp. Tuy nhiên, thường việc sấy nếu để ở nhiệt độ 100 – 120 độ C sẽ sấy trong khoảng thời gian từ 40-60 phút. Còn nếu khách muốn vị thơm nhiều hơn và ít béo, thì quá trình sấy sẽ lâu hơn, đồng thời nhiệt độ sẽ được giảm xuống.

Hạt mắc ca thành phẩm có vị bùi, béo, hương thơm đặc trưng, đồng thời vẫn giữ được độ trắng của nhân hạt. Khác với những cơ sở chế biến có máy xay tách vỏ hạt mắc ca, chị Sa dập thủ công từng hạt mắc ca cho tách vỏ mỏng bên ngoài và làm nứt vỏ dày bọc hạt để người tiêu dùng có thể dễ dàng bóc tách lấy hạt.

Sau khi hoàn thành các bước và sấy khô, hạt mắc ca sẽ được tiến hành đóng gói và hút chân không để giúp bảo quản hạt lâu hơn. Với cách làm này, hạt mắc ca có thể bảo quản được trong môi trường bình thường khoảng 12 tháng, kể từ ngày sản xuất.

Chị Sa và sản phẩm OCOP hạt mắc ca sấy. Ảnh: TT

Chị Sa tâm sự: Để có thể đúc rút được quy trình chế biến như hiện tại, những ngày đầu, bản thân mình chấp nhận mất rất nhiểu công sức với hạt mắc ca sấy. Tuy quá trình chế biến có vất vả, tốn công, nhưng mình không hề nản chí. Cứ lăn lộn trong thực tiễn, rồi nghề lại dạy nghề, mình ngày càng vững vàng và có thêm nhiều kinh nghiệm. Niềm vui vỡ òa khi cuối năm 2021 vừa qua, hạt mắc ca sấy đã đạt sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Điều này càng làm cho mình có thêm động lực, để gắn bó với nghề”.

Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y Võ Thị Thu Hà cho biết: Hiện, chính quyền địa phương đã và đang tích cực trong việc hỗ trợ giới thiệu và quảng bá về sản phẩm OCOP hạt mắc ca sấy Như Sa đến với đông đảo mọi người. Đặc biệt là đối với khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con về kỹ thuật, cách canh tác, chăm sóc cây mắc ca để tạo ra nguồn nguyên liệu sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

 

Theo KonTum online

 

Thu Ha bt- 3 ảnh kt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC