Trong căn phòng rộng hơn 30 mét vuông ở thôn Phước Hòa 1, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, khoảng gần chục chị em đang ngồi tỉ mẩn trang trí thiệp nghệ thuật và tranh giấy xoắn. Từ đôi bàn tay của các chị, những dải giấy nhỏ nhiều màu sắc được xoắn cuốn lại bằng dụng cụ nhỏ có gắn mô-tơ mini, tiếp đó được nắn tạo hình rồi dán lên các bề mặt, vật liệu khác nhau để tạo ra sản phẩm.
Nghệ thuật giấy xoắn (tiếng Anh là Quiling) dùng để tạo nên những sản phẩm đồ trang trí, làm quà lưu niệm, từ những đồ dùng đơn giản như móc khóa đến thiệp tay, tranh treo tường hay các đồ dùng trang trí khác. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần sự tỉ mỉ, khéo tay của những người thợ làm tranh.
Cơ sở kinh doanh tranh giấy xoắn đã giúp tạo việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Bích Thuận, nhà ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, đã làm việc ở đây hơn 2 năm cho biết: Mới ầu học khó lắm, nhiều khi một ngày mình làm chưa tới một cái thiệp luôn, nhưng dần dần cũng quen tay. Nghề này cần sự sáng tạo, nếu học mà chú tâm thì sẽ làm được được sản phẩm thôi. Chị Mùi hướng dẫn rất nhiệt tình.
5 năm qua, chị Mùi đã trực tiếp dạy nghề và tạo việc làm cho gần 30 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ea Kuang và các xã lân cận. Trong đó có 3 chị là người khuyết tật và một chị đang phải chạy thận hơn 10 năm nay. Các chị có thể đến làm trực tiếp tại cơ sở hoặc nhận vật liệu về tranh thủ làm thêm tại nhà, với mức thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Mó May, ở thôn Tân Lập, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk chia sẻ, công việc không nặng nhọc, lại có thể làm lúc rảnh rỗi, linh động thời gian nên phù hợp với hoàn cảnh đang nuôi con nhỏ của chị.
Từ năm 2018, chị Lê Thị Mùi bén duyên với công việc làm tranh giấy xoắn. Được Hội phụ nữ xã Ea Kuang cho vay 20 triệu đồng, cộng thêm nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách chị bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, với sự đồng hành của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, chị Mùi mạnh dạn tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh và đạt giải nhì, được sự hỗ trợ về vốn để tiếp tục thực kiện các kế hoạch dài hơi đối với nghề tranh giấy giấy xoắn.
Sản phẩm ứng dụng từ nghệ thuật giấy xoắn.
Đến năm 2021, dự án khởi nghiệp với nghệ thuật tranh giấy xoắn của chị tiếp tục lọt vào chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc lần thứ 4 và đạt giải khát vọng. Những thành tích này là động lực giúp chị có thêm nguồn vốn, trau dồi tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác.
Chị Lê Thị Mùi cho biết, hiện tại có 30 bạn nhân công, phát triển tại Đắk Lắk một chi nhánh và ở Kon Tum, Gia Lai một chi nhánh. Hướng đi sắp tới của tôi là tiếp tục nhận đơn đặt hàng của khách và tạo ra những sản phẩm mẫu mã, có những cái riêng biệt của vùng miền và bản sắc của dân tộc Việt Nam để quảng bá, giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành du lịch và sẽ mở rộng và đào tạo thêm ở các khu vực lân cận.
Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của chị Mùi sản xuất khoảng 5.000 sản phẩm các loại, từ những mẫu thiệp đơn giản có giá vài chục nghìn đồng, đến các loại tranh phong cảnh, tranh chân dung có kích thước lớn với giá cả triệu đồng. Các sản phẩm do cơ sở sản xuất đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, chị Mùi còn nhận thiết kế và gia công sản phẩm cho các công ty lớn.
Tranh giấy xoắn với mẫu mã đa dạng.
Bà H'Yer Knul, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Pắk đánh giá: Mô hình khởi nghiệp từ tranh giấy xoắn của chị Lê Thị Mùi mang tính nhân văn cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều chị em, cả những người bị khuyết tật tại địa phương. Hội đã xin ý kiến UBND huyện để từng bước xây dựng, hỗ trợ không gian, địa điểm mở rộng mô hình này, đặc biệt hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Với định hướng mở rộng thị trường, trọng tâm hướng đến thị trường sản phẩm du lịch và thị trường nước ngoài. Chị Lê Thị Mùi đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm và mẫu mã mặt hàng tranh giấy xoắn. Cùng với đó là chuyên nghiệp hóa khâu quảng bá sản phẩm, tuyển chọn đội ngũ làm thị trường, tham gia thị trường trực tuyến và các sàn thương mại điện tử. Hướng đi này sẽ giúp cơ sở từng bước khẳng định thương hiệu và tạo được thị trường rộng hơn, từ đó giúp các chị em tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống ngày càng tốt hơn.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận