Phụ nữ vùng cao Thuận Châu vượt khó, làm chủ kinh tế gia đình
Thứ tư, 10:58, 19/10/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Viết tiếp truyền thống vẻ vang “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, bà Phạm Thị Đào, khẳng định mình với mô hình chăn nuôi lợn thịt nơi vùng cao, cho doanh thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

 

Bà Phạm Thị Đào, sinh năm 1966, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đến khi lập gia đình, bà Phạm Thị Đào luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học.

Sau nhiều năm lam lũ, vất vả, bà đã tìm được hướng phát triển kinh tế từ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi. Năm 1997, được gia đình cho 1 đôi lợn nái và được Hội phụ nữ tạo điều kiện cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà quyết tâm phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lúc đó, bà đã mua thêm 5 con lợn con về nuôi lấy thịt trong khi chờ đôi lợn nái sinh sản. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng trị bệnh, thức ăn chăn nuôi lúc bấy giờ cũng khan hiếm, nên việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn.  

Bà Phạm Thị Đào chia sẻ, vì mình không có tiền mua rau ngoài chợ nên gia đình chỉ tự túc đi cắt, đi kiếm ở quanh rừng gần đây về băm nấu, ngày xưa là nấu và đun bằng củi, rất vất vả; dần dần nuôi 1 đôi từ khi ông bà ngoại cho, sau đó bán đi 1 con lợn, để lại con lợn nái và gây được 1 đàn, từ đấy là gia đình phát triển nhưng cũng chỉ dám nuôi 1 con lợn nái như vậy thôi).

Không nản chí, bà tiếp tục tự nghiên cứu, học hỏi nâng cao kiến thức, cũng như thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do thị trấn, xã, bản tổ chức. Sau vài năm, đàn lợn của gia đình dần phát triển ổn định, sinh sản tốt và cho thu nhập ổn định; kinh tế gia đình từ đó cũng khấm khá dần lên, không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà còn có tiền đầu tư mở rộng chăn nuôi.

Đến nay, gia đình bà đã có chuồng lợn rộng gần 100 mét vuông  với 30 con lợn; mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 6 tấn lợn thịt, cho doanh thu khoảng 300 triệu đồng.

Để bảo vệ môi trường, gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại, xung quanh trồng cây xanh có tán rộng; đồng thời đầu tư lắp đặt hầm biogas, nhờ đó đã hạn chế mùi chất thải ra môi trường, góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp tại khu dân cư ser

Còn để tránh mùi chất thải lúc chưa rửa chuồng, gia đình đã tận dụng nguồn bỗng từ nấu rượu, kết hợp với ủ ngô, khi cho ăn thì ủ thêm men đường ruột cho lợn ăn trực tiếp với cám. Làm như vậy không ảnh hưởng đến chất lượng của đàn lợn mà lại khử mùi khi chất thải lúc chưa xả xuống hầm biogas. Gia đình bà dùng cho đàn lợn từ năm 2005 đến giờ và vẫn duy trì loại men này.

Chị Lường Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nhận xét, không chỉ đảm đang với vai trò người vợ, người mẹ, hội viên Phạm Thị Đào còn khẳng định vị trí, vai trò trong các phong trào ở địa phương, nhất là các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình chăn nuôi lợn của bà Đào đã được nhiều chị em trong Hội nhân rộng và đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương. Bà Phạm Thị Đào là một trong nhưng hội viên tiêu biểu trong phong trào Phụ nữ phát triển kinh tế tại địa bàn thị trấn huyện Thuận Châu.

Mô hình chăn nuôi lợn của bà Đào với doanh thu 300 triệu đồng mỗi năm, được nhiều chị em trong Hội Phụ nữ ở huyện học tập.

Cùng với bà Phạm Thị Đào, huyện vùng cao Thuận Châu còn nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi; họ làm giàu trên nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng cây ăn quả trên đất dốc, trồng rừng, kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp để mở rộng thị trường…. Dù mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau, nhưng tất cả đều chung 1 ý chí là vươn lên làm giàu chính đáng, bằng bàn tay, khối óc của mình. Từ đó, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói nghèo, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

 

Trấn Long/VOV Tây Bắc

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC