Di chứng chiến tranh để lại
Theo chân cán bộ Hội Cựu chiến binh phường Trần Hưng Đạo (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của cựu chiến binh Võ Duy Binh (62 tuổi).
Đang tỉa cành cho vườn chôm chôm, ông Binh vội dừng công việc này lại rồi mời khách vào nhà. Bên tách trà nóng, ông Binh kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian ông tham gia kháng chiến cho đến lúc rời quân ngũ để trở về địa phương và phát triển kinh tế.
"Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Năm 1977, khi mới 17 tuổi, tôi đăng ký tham gia quân ngũ trực thuộc Sư đoàn 307 của Quân khu V và cùng đồng đội chiến đấu tại chiến trường Đông Bắc Campuchia để chống lại quân diệt chủng Khmer Đỏ (Pol Pot). Thời điểm đó, quân Khmer Đỏ mở cuộc tấn công hòng lấn chiếm biên giới của Việt Nam.
Sau khi hoàn thành việc huấn luyện, tôi được giao nhiệm vụ làm quân báo. Tôi có nhiệm vụ là luồn sâu vào căn cứ của định để thu thập tin tức, vẽ sơ đồ và sau đó báo cáo về chỉ huy để bàn bạc phương án tác chiến".
Thất bại với cây mì, ông Võ Duy Binh quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.
Đến năm 1980, đội của ông Binh khi đang thực hiện nhiệm vụ mở đường cho bộ binh hành quân thì bất ngờ bị quân địch phục kích.
"Địch có gài mìn định hướng theo chiều dọc đường đi. Đội của chúng tôi đi vào khu vực gài mìn thì bọn chúng cho kích nổ mìn. Tiếng nổ lớn vang lên, quân địch đồng loạt lao vào tấn công nên chúng tôi đồng loạt rút lui", ông Binh kể.
Sau trận đấy, ông Binh bị thương với hàng chục mảnh mìn găm vào ngực và được đồng đội đưa về cấp cứu. Qua một quãng thời gian điều trị thì sức khỏe, ông Binh tiếp tục quay lại chiến đấu khi vết thương chưa lành hẳn.
Đến năm 1981, ông Binh lại tiếp tục bị thương. "Lúc đó, tôi đang làm nhiệm vụ gác trên chốt để giữ tiền đồn thì bị quân địch phục kích. Tôi và đồng đội bị thương nhưng vẫn nỗ lực đẩy lùi được cuộc tấn công của địch. Sau đó, tôi được đưa về điều trị vết thương. Các bác sĩ giám định sức khỏe rằng tôi không đủ sức để chiến đấu nữa nên tôi đã xin phục viên và trở về quê hương. Từ đó, tôi trở thành thương binh hạng 3/4", ông Binh kể lại.
Khó khăn không chùn bước
Năm 1983, ông Binh trở về quê hương với đôi chân khập khiễng. Nhận thấy ở quê thiếu đất sản xuất và không thể phát triển kinh tế được, ông quyết định vào xã Hòa Bình, thị xã Kon Tum (nay là phường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để lập nghiệp. Ở nơi đất khách quê người, ông làm thuê, cuốc mướn đủ việc. Khi đã tích góp được một số tiền, ông quyết định xây dựng nhà để ở và mua khoảng 3.000 m2 đất rẫy để trồng mì.
Tuy nhiên, nhiều năm sau, loại cây này lại phát triển kém hiệu quả. Chính vì vậy, ông trăn trở tìm hướng chuyển sang cây trồng khác để cải thiện kinh tế gia đình.
Ông Binh theo dõi quá trình phát triển của cây sầu riêng.
Được sự giới thiệu của bạn bè, năm 1990, ông vào Đồng Nai học hỏi mô hình trồng kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy thổ nhưỡng tại Kon Tum phù hợp với loại cây chôm chôm nên ông quyết định mua vài chục giống của loại cây trên về trồng thử.
Thấy ông Binh mang giống cây ăn quả về trồng, bà con lối xóm bàn tán xôn xao. Mọi người cho rằng, loại cây ăn quả chỉ phát triển tốt ở khu vực miền Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Còn thổ nhưỡng ở Kon Tum chỉ thích hợp để trồng cây mì và cây cao su. Tuy nhiên, ông Binh đã bỏ ngoài tai những lời bàn tán ấy và vẫn kiên trì với quyết định của mình.
Lúc này khó khăn nhất đối với ông chính là đôi chân thương tật lên cơn đau nhói mỗi khi trái gió trở trời.
"Giờ ở chân tôi vẫn còn nhiều mảnh đạn của thời chiến tranh xưa và dần dần về sau nó bắt đầu nhiễm trùng. Tôi có ra bệnh viện để chữa trị nhưng các bác sĩ cũng chỉ bóc tách những mảnh đạn có thể lấy được, còn hàng chục mảnh đạn khác vẫn nằm lại bên trong cơ thể tôi. Mỗi lần làm việc nhiều chân lại lên cơn đau nên tôi buộc phải nghỉ. Nhiều lúc cũng chán nản, mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng, kiên trì chăm sóc cho cây phát triển", ông Binh chia sẻ.
Tiên phong trong việc trồng cây ăn quả trên đất khó
Nhờ cần mẫn chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây chôm chôm của ông Binh không những đạt sản lượng cao, mà chất lượng sản phẩm rất thơm ngon, được thị trường đón nhận. Nhận thấy hiệu quả mang lại, ông Binh tiếp tục đầu tư trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như sầu riêng, mít, thanh long, ổi, saboche, chanh dây….
Cũng chỉ sau vài năm, các loại cây này đều cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, ông Binh lãi hàng trăm triệu đồng từ các loại cây ăn quả và cho thu nhập gấp nhiều lần so với cây mì.
Đến nay, trong khoảng diện tích 3.000 m2, ông Binh trồng nhiều loại cây ăn quả như chanh dây, chuối, ổi, mít....cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Từ thành công của ông Binh trong việc trồng cây ăn quả, rất đông người dân ở các xã, phường khác đến nhà ông để thăm quan, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng để phát triển kinh tế.
Ông Lê Thanh Miền – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Trần Hưng Đạo (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết, về kinh tế gia đình thì nhiều người lành lặn chưa chắc đã làm được như ông Binh. Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp, gia đình ông đã tích cóp chút ít vốn liếng để làm vườn cây.
"Thời kì đấy rất khó khăn. Sau này dù thương tật ngay ở chân đi lại khó khăn nhưng ông Binh đã mày mò, tìm tòi và đi mua giống cây ăn quả về trồng. Đến nay vườn cây đã phát triển tốt. Chính điều này góp phần cải thiện kinh tế gia đình ông. Không những vậy, ông Binh còn là người đầu tiên đưa mô hình cây ăn quả về TP.Kon Tum. Từ sự thành công này, người dân nhiều xã, phường khác đã bắt đầu học hỏi và chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng loại cây ăn quả. Ngoài ra, ông Binh còn rất tích cực trong công tác xã hội, năng nổ học hỏi và là người có uy tín trong khu dân cư"
Theo Dân Việt
Viết bình luận