(VOV4) - Với 60 hồ sơ đăng ký tham gia, “Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” đã có những nhân tố tiềm năng. Đó là: mô hình ống tưới cà phê của người dân tỉnh Đắc Nông, Nuôi cánh kiến đỏ ở Thanh Hóa, hay Hỗ trợ sinh kế xây dựng thương hiệu phở khô Ở Bắc Kạn...
Mô hình sản xuất phở khô của phụ nữ ở thị trấn Phù Thông, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn, đã cho thấy một thực tế rằng: nếu biết tận dụng những lợi thế ở địa phương, cùng với sự mạnh dạn đầu tư, sự liên kết giữa chính quyền và người dân thì việc giảm nghèo không phải không làm được.
Chị Hoàng Thị Loan, Chủ nhiệm HTX phở khô ở thị trấn Phù Thông, cho biết nhờ vào lợi thế là nghề truyền thống mà gần 20 xưởng sản xuất phở đã được mở ra, thu hút hơn 20 chị em, đa phần là người dân tộc thiểu số, tham gia, với mức thu nhập hàng năm từ 15-20 triệu đồng.
"Vốn đầu tư ban đầu là 15-20 triệu, từ nồi, máy nghiền bột, máy thái phở rồi gạo, mành làm nứa để phơi, địa điểm phơi phóng. Chị em vay ngân hàng, lấy ngắn nuôi dài, làm trước trả sau. HTX có 26 người trong đó 24 người là dân tộc thiểu số, mức thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 3,5 4 triệu đồng/tháng. Chị em rất nhiệt tình hưởng ứng mô hình này" - chị Loan nói.
Nhựa cánh kiến đỏ. Ảnh: KT
Cánh kiến đỏ - một sản phẩm của của bà con các dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) - là sản phẩm mang tính vùng miền. Mô hình đáp ứng được 3 yếu tố, đó là khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động địa phương và gìn giữ rừng.
Ông Phạm Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững Thanh Hóa, cho biết nghề nuôi thả cánh kiến đỏ đã và đang được khôi phục. Hiện nay, 6 xã của huyện Mường Lát đều đang triển khai nuôi thả cánh kiến đỏ, bước đầu đã có những thành công:
"Ở Mường Lát, xã nào cũng có mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ, số lượng phụ nữ tham gia rất đông. Hiện nay có đến 80% phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào mô hình này. Nghề nuôi thả cánh kiến đỏ không tốn kém đầu tư, không tốn kém sức lao động nhưng thu nhập cao. Một vụ bỏ ra từ 1,5-2 triệu cả công và số lượng giống để mình thả, một hecta thu hoạch 750kg cho đến 1 tấn sản phẩm cánh kiến đỏ, thu nhập 100 triệu".
Một số mô hình mà chúng tôi vừa giới thiệu chưa đáp ứng hoàn toàn tiêu chí của cuộc thi. Song, những mô hình này đã đạt những kết quả giảm nghèo ban đầu một cách khá bền vững do biết dựa vào người dân, dựa vào lợi thế vùng để phát triển sinh kế, nâng cao năng lực, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các đoàn thể. Đây cũng chính là điều mà Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm mong muốn từ hội thi này:
"Vấn đề phát huy nội lực của cộng đồng thông qua các mô hình giảm nghèo là giải pháp căn cơ nhất, quan trọng nhất. Làm thế nào để phương châm này, cách thức này, mô hình này nhân rộng ra trên phạm vi toàn quốc; tất cả các hoạt động sinh kế đều được gắn liền, thông qua các mô hình, kết nối giữa người dân, người nghèo, các nhà khoa học, các doanh nghiệp chặt chẽ với nhau thì càng mang lại hiệu quả thiết thực".
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận