Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa
Thứ năm, 11:49, 15/12/2022 Lê Hạnh/VOV Tây Bắc Lê Hạnh/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Những năm gần đây, nông dân Sơn La đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Sơn La vươn xa.

Chỉ cần vài thao tác bấm nút điều khiển trên bảng vi tính hay ngay trên điện thoại, toàn bộ diện tích rau màu tại trang trại rộng hơn 2 héc ta của gia đình anh Nguyễn Đình Huy, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) sẽ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng từ nước ẩm đến các loại phân đạm. Việc chăm sóc vườn rau màu được thuận tiện như vậy là nhờ sự hỗ trợ đầu tư hệ thống tự động – đây là mô hình mới trong việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất của Hội nông dân tỉnh Sơn La.

Việc áp dụng hệ thống này giúp nông dân tiếp kiệm thời gian, công sức, lại hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Anh Nguyễn Đình Huy cho biết, trước đây, trên 1hecta, gia đình tôi mất 3 – 3,5  tiếng để vừa pha phân vừa tưới vườn. Từ khi tiếp cận hệ thống châm phân tự động có thể rút ngắn thời gian, chỉ còn từ 50 – 60 phút, và có thể chỉ cần pha phân rồi giao cho người khác điều khiển, không phải làm thủ công nữa.

Từ lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, năm 2014, gia đình ông Hoàng Văn Chất ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cà phê sang trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, gia đình đã có hơn 4 ha trồng cam các loại như Cam Vinh lòng vàng, cam V2, cam đỏ, cam đường... đồng thời duy trì 2ha cà phê trồng xen cam, bưởi, bơ đã cho thu hoạch. Hàng năm gia đình cung cấp ra thị trường hàng chục tấn quả có múi, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm là xu hướng tất yếu để sản phẩm của gia đình ông Hoàng Văn Chất được tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Ông Hoàng Văn Chất chia sẻ: Trước khi thu hoạch 1 - 2 tháng tôi đã chụp hình gửi qua zalo cho các đầu mối thường tiêu thụ sản phẩm của HTX; thông báo cho bà con các nhóm cách bảo quản chăm sóc trước và sau khi thu hoạch, liên hệ các điểm thu hoạch... Sản phẩm từ nay đến tháng 5 năm sau cơ bản sẽ tiêu thụ hết. Đặc biệt là trong dịch Covid-19, sản phẩm của HTX không bao giờ bị tồn, thậm chí giá bán còn cao hơn. 

Đồng hành với bà con trong chuyển đổi số, năm 2022, Hội nông dân tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn; hỗ trợ cho 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn (trong đó có 59 sản phẩm OCOP). Đồng thời, xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ 19.500 hộ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử...

Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh tại “Gala Nông dân Sơn La với chuyển đổi số năm 2022” diễn ra chiều 14/12 do Hội nông dân tỉnh Sơn La và Báo nông thôn ngày nay tổ chức tại tỉnh Sơn La.

Việc chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh; giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường thuận tiện, nhanh chóng. Chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân - một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới:

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất các giải pháp cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thứ hai là nghiên cứu một số nền tảng để đưa vào sản xuất nông nghiệp tốt như nền tảng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm chế biến, để sản phẩm vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có sức lan tỏa, tạo niềm tin với khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu trong sản xuất và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Là địa phương có trên 80.000 ha cây ăn quả các loại, đứng đầu các tỉnh phía Bắc và thứ 2 cả nước; với sự đa dạng các sản phẩm nông sản tươi, nông sản chế biến, tỉnh Sơn La xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" phát triển bền vững ngành nông nghiệp và là con đường làm giàu từ nông nghiệp của nông dân; góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ trong tương lai không xa./.

 

Lê Hạnh/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC