(VOV4) - Một câu chuyện lạ, nóng, thiết thực, giữa những ngày hạn hán nghiêm trọng này, là chuyện Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, tính chuyện bán ô xy và bán nguồn sinh thủy - một việc trước nay chưa từng có.
PV: - Thưa ông, là một tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất, nhưng Bắc Cạn hiện vẫn là tỉnh nghèo nhất cả nước. Theo ông thì nguyên nhân là do rừng nghèo hay tư duy khai thác tiềm năng rừng của Bắc Cạn còn nghèo?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: - Theo tôi thì cả hai. Vì rừng nghèo kiệt diện tích nó lớn. Và bản thân rừng trồng giá trị kinh tế thấp. Còn về tư duy ấy, những năm qua tỉnh đã nỗ lực hết sức, tham khảo kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài nước, xem trồng cây gì để giá trị cao lên. Nhưng trồng cây gì thì cũng chỉ được 5-7 triệu/ha thôi, không vượt quá được. Rõ ràng muốn người dân sống được bằng rừng, thì tư duy phải khác.
PV: - Vậy ông đã tư duy về cái sự khác ấy chưa ?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: - Trồng rừng không chỉ lấy gỗ, mà trồng rừng để bán ô xy, trồng rừng để chống biến đổi khí hậu.
Bắc Kạn là một tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Ảnh:baobackan.org.vn
PV: - Trên thế giới thì có rồi, nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện tính bán ô xy. Vậy ai sẽ đứng ra bán và ai sẽ là bên mua, trong hình dung của ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: - Liên hợp quốc (LHQ) đã yêu cầu những tập đoàn công nghiệp lớn, khi anh thải ra nhiều CO2, thì anh phải trồng rừng, hoặc phải đảm bảo mua ô xy để bù lại một phần khí CO2 mà anh đã thải ra. Nhưng phải theo những quy định rất ngặt nghèo. Dân Bắc Kạn bán ô xy theo kiểu LHQ với quy định ngặt nghèo là khó. Theo suy nghĩ của tôi:
Ai là người bán? thì rõ ràng người trồng rừng là người bán. Người ta là chủ thể. Người ta không thể đứng ra bán được, thì tỉnh phải đứng ra bán.
Vậy ai là người mua? Người mua ở đây rõ ràng là những địa phương phát triển nhà máy xí nghiệp nhiều, những nơi làm thủy điện nhiều thì rừng ít đi, thậm chí những nơi đang bị hạn hán, lũ lụt, những nơi đang bị tác động của biến đổi khí hậu nhiều nhất… Đấy là những chỗ mua. Nhưng mà ai là người đứng ra mua. Chắc chắn người dân ở đấy đang bị hậu quả thiên tai thì người ta không thể mua rồi. Nên chỉ có thể là chính phủ đứng ra mua. Như vậy là tỉnh bán, chính phủ mua và người trồng rừng thì được hưởng lợi.
PV: - Đã rõ bên bán và bên mua. Nhưng mua bán những thứ từ trước đến giờ chúng ta chưa từng mua bán, vậy theo ông việc định giá sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: - Theo tôi giá cả thì chỉ cần tính một bài toán rất đơn giản thôi và phía bán, phía mua đều chấp nhận được. Đó là bắt đầu từ việc làm thế nào để người trồng rừng sống được bằng rừng. Ngoài giá trị khai thác gỗ thì cần bao nhiêu để bù lại cái công trồng rừng để để người ta sống được ở mức trung bình của người dân Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người có rồi. Trừ tất cả mọi khoản ra, mỗi tháng, một hecta rừng cần phải đầu tư cho người trồng rừng 2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: - Nhà nước phải bắt đầu từ quan điểm phát triển kinh tế vĩ mô. Theo tôi, vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên và miền Trung độ che phủ phải đảm bảo bằng được từ 65%-70%, chứ như hiện nay, chúng ta cứ loay hoay xem cả nước làm thế nào để đạt 40% độ che phủ rừng, là rất khó có thể đạt được. Vấn đề còn lại, mấu chốt là người trồng rừng phải sống được bằng rừng. Đúng là chỉ một đợt hạn hán thôi chúng ta đã bỏ ra cả ngàn tỷ để khắc phục hạn hán. Nhưng ngàn tỷ đó, có thể trồng rừng phủ xanh được vài tỉnh. Nên nếu xét về bài toán kinh tế thì nó có lãi, thậm chí là lãi rất lớn.
PV: - Có quá nhiều việc phải làm, nhưng theo ông thì đâu là mắt xích quan trọng nhất để ý tưởng đó sớm đi vào cuộc sống?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: - Nhà nước cần phải có chính sách để người dân sống được bằng rừng. Phải có nghiên cứu để nhân ra diện rộng. Và tôi đề xuất là trước mắt để Bắc Kạn nghiên cứu. Lãnh đạo tỉnh chúng tôi cùng các bộ, ngành trung ương tính toán thế nào để ra được chính sách.
PV: - Xin cảm ơn ông! Và mong rằng chúng ta sớm có chính sách mới này
Phạm Hồng Nhung/VOV4
Viết bình luận