Sin Suối Hồ: Từ một bản nghiện thành bản homestay
Thứ tư, 00:00, 09/09/2020 HH + 3 ảnh HH + 3 ảnh
VOV4.VN - Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu có 135 hộ dân người Mông sinh sống. Từ một bản nghiện ma túy, nghèo đói, lạc hậu, Sin Suối Hồ trở thành bản văn hóa, bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu của tỉnh miền núi Lai Châu và cả nước. Mỗi năm đón khoảng hơn 15.000 lượt du khách quốc tế và Việt Nam.


Từ một bản nghiện...

Dưới mái hiên ngôi nhà trình tường đất, thưng ván gỗ, Hảng A Xà, 45 tuổi đang giới thiệu cho du khách truyền thống cư ngụ của người dân. Dáng người thấp đậm, giọng nói nhẹ nhàng với gương mặt tươi rói, anh giống như một hướng dẫn viên thực thụ khi đưa khách đi thăm quan những ngôi nhà của bản Sin Suối Hồ - nơi vốn trú nắng, che mưa của bà con người Mông, giờ trở thành homestay hút khách.


Anh Hảng A Xà (đứng) đang giới thiệu văn hóa người Mông bản Sin Suối Hồ cho du khách. Ảnh: Xuv Haam

"Làm homestay mình xuất phát từ việc làm thế nào để thay đổi bản làng mình. Cho nên tôi bắt đầu dùng nhà truyền thống của bà con dân tộc Mông ở đây, là nhà trình tường đất ở đây để tiếp đón khách. Sau khi nhiều đoàn khách đến, người ta ở, mình hiểu mình có một văn hóa tốt đẹp, mình phải biết áp dụng cái văn hóa truyền thống đó để mình có thể kinh doanh để kiếm sống cho chính dân tộc mình. Thứ hai nữa là cũng bảo tồn được chính văn hóa dân tộc mình". - Anh nói.
Hảng A Xà bảo, chẳng thể hình dung được có một ngày Sin Suối Hồ lại đông vui, nhộn nhịp như thế này. Những năm 90 trở về trước, bản Sin Suối Hồ gần như biệt lập với bên ngoài. Cả bản quanh năm, suốt tháng chìm trong khói thuốc phiện.
Nghiện ngập, bệnh tật đến thân tàn ma dại. Đi ngoài đường còn bị xua đuổi, chứ đừng có nói chuyện mơ tưởng cưới được con gái bản bên. "Đi vào người ta ghét quá, người ta nhổ nước bọt vào mặt. Nhiều lúc người ta còn đánh. Cánh thanh niên cứ xông vào cấu xong lại chạy đi…"
Đó là ký ức hằn sâu trong tâm trí của Hảng A Xà, của rất nhiều người Mông ở Sin Suối Hồ. Dân trong bản ngày vào rừng tìm củ mài, tối say sưa bên đèn bàn, lỗ điếu. Bệnh tật hoành hành, cứ vài ngày lại có người chết. Không chết vì nghiện, vì bệnh tật thì lại chết vì đói. 
"Bố tôi nghiện, anh trai nghiện, mẹ nghiện. Thèm nhất là cơm trắng. Cả cuộc đời mình nếu mình chỉ được một bát cơm trắng ăn, mình chết sẽ nhắm mắt. Hồi đó rất là khổ. Anh em ăn củ mài, ăn củ rừng. Những cái gì con lợn ăn được thì mình ăn được. Thiếu ăn, không làm được, nhưng trong nhà có một tí con gà, vài tí gạo cũng mang đi đổi thuốc phiện hết. Có người không muốn sống nữa treo cổ chết, đi ăn lá ngón chết là chuyện bình thường". Hảng A Xà nhớ lại.

Vàng A Lai cười, ở bản này ngày xưa nhà nào có một cái bánh nếp làm bằng bột ngô thôi cũng đã cưới được 1 cô con dâu rồi. Ông Lai nghiện, tuổi thơ của Lai là những trận đòn roi mây vì không đi xin được cho ông thuốc. Cái đói dày vò, đám trẻ bản bên hắt hủi. "Khi mình đi ngoài đường, nó nhổ bọt trên đầu mình bảo: ôi, bọn chúng mày toàn là loại thuốc phiện. Bố như thế thì sau này con cũng như vậy đấy. Mình phải tránh xa nó không ở gần nó mình cũng mùi thuốc phiện như nó luôn. Tủi thân mình".


Du khách trải nghiệm homestay tại hợp tác xã Trái Tim của Sin Suối Hồ. Ảnh: Xuv Haam

Cai nghiện bằng tình yêu thương

Nhưng ký ức ấy giờ đã lùi xa. Cuộc sống người dân giờ đây chẳng còn chạy cơm từng bữa, người dân đã biến Sin Suối Hồ thành điểm du lịch hấp dẫn bằng những gì mình có. Anh bảo, để bản có được như ngày hôm nay là cả nỗ lực của bà con dân bản, của chính quyền xã, của những người uy tín trong bản. Bắt đầu từ việc phá bỏ cây thuốc phiện, cai nghiện cho cả bản. 

Vàng A Lai là một trong những thanh niên của bản xung phong đưa người Mông bản Sin Suối Hồ đi cai. Khi thì ở lán nương thảo quả, khi trong bản, không quản ngày đêm nấu cơm, giặt giũ cho họ lúc lên cơn.

"Anh Xà khích lệ anh em động viên tuổi già đi cai nghiện bản mình mới phát triển được. Lúc đấy mình nghĩ, kệ họ cho họ chết hết đi. Nhưng nghĩ lại nếu cứu được sẽ thay đổi được suy nghĩ của nhiều người nên mình quyết tâm đưa các chú, các ông đi cai".

Cai nghiện cho cả bản đó là hành trình đầy gian nan. Nhưng đó là lối thoát duy nhất của Bản Mông Sin Suối Hồ mà Hảng A Xà cùng với anh em trong bản quyết tâm ròng rã 10 năm. Đến năm 2014, cả bản không còn người nghiện.
"Chúng tôi cai nghiện bằng tình yêu thương thôi. Có nghĩa là mình yêu thương họ thật sự như anh em ruột thịt. Và mình thấy nếu anh em không thay đổi được nó không những ảnh hưởng cho gia đình ấy mà còn ảnh hưởng cho chính cộng đồng, cho cả xã hội và ảnh hưởng chính cho cả tương lai. Mình yêu thương họ thật sự thì họ nể mình". Hảng A Xà chia sẻ.

Bản du lịch cộng đồng


Điệu múa, câu hát của người Mông ngày xưa giờ trở thành "món ăn" tinh thần hút khách du lịch. Ảnh Xuv Haam

Dẫn du khách đi một vòng bản Sin Suối Hồ, Hảng A Xà khoe cả bản giờ đã có gần 20 hộ làm homestay. Tất cả đều là thành viên của HTX Trái tim. 

Hoạt động từ năm 2018, HTX xây dựng khu nghỉ dưỡng với diện tích 2,5ha trên quả đồi đầu bản gồm 4 nhà nghỉ, một bếp ăn tập thể, phòng lễ tân thiết kế bằng gỗ. Quanh khuôn viên có trồng cây xanh với hệ thống trò chơi dân gian của người Mông như xích đu, guồng quay phục vụ khách du lịch.
Nhà nào nhà nấy sạch từ nhà ra ngõ, có vệ sinh khép kín, trưng khắp lối hoa lan. Cứ 10m đường đi lại có 1 sọt rác bằng tre với dòng chữ: cho cháu xin rác. Giữa năm 2015, UBND tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng.

"Có tháng đón được chục đoàn khách. Hà Nội, Sóc Trăng, Singapo, Úc, Canada, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào... Có một hợp tác xã, có 3 cái bungalow và 1 nhà hàng cũng là bà con dân bản mình làm. Cả bản thu nhập du lịch 400 – 500 triệu/năm". - Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ không giấu nổi niềm vui trong giọng nói.

Vậy mà, chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, bản nhếch nhác đầy ổ gà, ổ trâu. Nhà cửa ngập ngụa những phân lợn, phân gà. Người và vật nuôi ăn, ở cùng nhau. Cả tuần, cả tháng, thậm chí cả năm họ mang trên người một bộ quần áo.

"Góc này là buồng ngủ, góc này là gà đẻ trứng. Con lợn nằm một dãy ngay ở trước cửa. Trong nhà, ngoài nhà, phân trâu, phân ngựa, phân lợn, phân gà… muỗi bay hàng đàn. Đêm chỉ cần thở một tí là mình có thể hít con muỗi. Từ 2005 – 2010, chúng tôi tìm cách thay đổi tư duy của anh em nhận thức lại cuộc sống của mình. Chúng tôi vào từng hộ gia đình giúp anh em rửa bát, rửa nồi, gấp chăn chiếu, nhốt lợn, nhốt gà… mình trồng hoa, mình giữ cây, mình giữ vệ sinh… khi khách người ta thấy được, người ta thích thì người ta vào đây du lịch, tham quan".

Hảng A Xà cùng cậu em họ của mình là Vàng A Chỉnh tự động hiến đất làm chợ, làm nơi giao thương cho bà con trong vùng. Rồi vận động bà con trong bản mở đường lên các danh thắng. Ai cũng hừng hực khí thế xây dựng cảnh quan cho bản mình.

Đến Sin Suối Hồ bây giờ, đường bê tông dẫn vào tận bản, có bóng điện sáng trưng, có wife phủ sóng. Và đặc biệt, có màu no ấm của hoa lan – loài hoa không chỉ là trang sức vàng của bản mà còn là cây làm giàu cho người dân Sin Suối Hồ. Tất cả cũng nhờ anh em Chỉnh và Xà rủ rỉ bà con cùng trồng nên giờ đây, cả bản có thiên đường hoa địa lan với hàng nghìn chậu. Thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm/nhà từ lan là chuyện thường. Có gia đình tiền lãi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cuộc sống người Mông nơi đây giờ không còn quẩn quanh bên nương lúa, mỗi năm/vụ, chẳng đủ ăn. Họ đã biết biến những nông sản tự trồng hoặc thu hái từ rừng thành hàng hóa, biến Sin Suối Hồ thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước nhờ tư duy làm du lịch có một không hai.
"Bà con không được đi học, cho nên mình muốn đi lên được thì mình phải làm thế nào để cho thế giới người ta tới đây. Khi người dân trên thế giới tới đây, mỗi dân tộc có văn hóa riêng, có cách sống riêng, một thái độ riêng mình có thể học được họ như Việt Nam mình có câu: mình sang vì vợ, mình giàu vì bạn. Bạn bè có thể không cho được mình một đồng tiền, nhưng bạn bè có thể khích lệ, động viên, tư vấn cho mình mình có thể thành công, mình có thể vươn lên được."

Đó là tư duy đổi mới bản làng không chỉ của riêng Hảng A Xà, của Vàng A Chỉnh mà của cả bản Mông Sin Suối Hồ!

Lâm Thanh/VOV4

 
 

 

 

 

 

 

HH + 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC