Thay đổi cách nghĩ để giảm nghèo
Thứ sáu, 00:00, 05/08/2016

(VOV) - Gần đây, mỗi năm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, giảm được khoảng 8% số hộ nghèo. Đó là kết qủa của sự thay đổi lớn trong tư duy và cách làm của đồng bào Mông nơi đây.



 

Gia đình anh Khang A Tính, ở bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, chỉ sống nhờ vào vài mảnh ruộng bậc thang một vụ, thêm chút tiền từ bán củi và rau quả kiếm được trên rừng. Quanh năm suốt tháng làm việc không biết nghỉ tay, nhưng gia đình sáu người này cũng chỉ đủ ăn được nửa năm, nửa năm còn lại chạy vạy từng bữa, lắm lúc phải ăn ngô thay cơm.

 

Thế nhưng, mấy năm nay, sau khi bắt tay vào trồng thảo quả  và sơn tra, tăng vụ lúa, gia đình anh trở thành một trong những hộ thoát nghèo điển hình trong xã, thu nhập 50 triệu đồng/năm.

 

Trồng thảo quả giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Ảnh:baomoi.com

 

Gia đình anh Sùng A Lù, ở bản Nậm Có, xã Nậm Có, cũng là một trong những hộ thoát nghèo điển hình. Xã Nậm Có là một trong những vựa sơn tra lớn của huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên, bà con nơi đây không trồng mà khai thác từ những cây sơn tra mọc tự nhiên. Việc thu hái cũng tùy tiện, có khi hái cả quả non đem bán làm cây giảm năng suất, giá cả lại thấp.

 

Gần đây, gia đình anh Sùng A Lù và nhiều hộ đã để tâm chăm sóc cây sơn tra, trồng thêm cây mới và thu hái một cách khoa học. Nếu như trước đây mỗi cây sơn tra thu hái được vài chục kg thì nay được cả tạ quả. Do để quả chín mới hái nên giá bán có lúc lên tới 40 nghìn đồng/kg. Hiện gia đình anh Lù thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi năm từ cây sơn tra.

 

Anh Lù cho biết: “Mua đồ dùng cho vợ con hay mua sắm xe máy, ti vi, các loại đồ dùng gia đình cũng đều nhờ vào cây sơn tra. Dân ở đây thì chăm sóc đàng hoàng, bảo vệ cây sơn tra rất tốt”.

Những năm gần đây, thay vì việc tuyên truyền, vận động chung chung thì chính quyền và ngành chức năng ở huyện Mù Cang Chải đã chuyển sang vận động đích danh các trưởng thôn, bản và đội ngũ cán bộ làm trước để người dân làm theo.

 

Trong nỗ lực giảm nghèo ở Mù Cang Chải, không chỉ người dân vùng cao thay đổi mà ngay cả phương thức chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội của chính quyền địa phương cũng đã thay đổi. Ông Lê Trọng Khang, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết huyện đã và đang tập trung vào các cây giống, con giống mới, vừa phù hợp với địa hình, khí hậu, hiệu quả kinh tế cao và người dân dễ áp dụng: “Huyện đã sản xuất thí điểm cây khoai tây, đã cho năng suất trên 20 tấn/ha. Cây thứ 2 là cây lúa mỳ, cũng đã được trồng thử nghiệm, sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cây thứ 3 là cây cải dầu trong khung của vụ Đông Xuân. Cây thứ 4 là gừng. Qua việc thử nghiệm các loại cây này thì huyện sẽ lựa chọn và lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết để thực hiện sản xuất cụ thể”.

 

Mù Cang Chải có trên 91% dân số là đồng bào Mông, là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Hiện nay, huyện vẫn còn khoảng 47% hộ nghèo. Với sự thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm của chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện, việc duy trì mức giảm 8% hộ nghèo mỗi năm ở Mù Cang Chải là không khó.

 

 

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC