Ăn tết A Za cùng đồng bào vùng cao A Lưới
Thứ ba, 00:00, 02/01/2018
VOV4.VN - Tết A Za hay còn gọi lễ ăn cơm mới là một trong những lễ hội thiêng liêng đối với đồng bào sống trên dãy Trường Sơn hùng vỹ. Những ngày này, bà con người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu của huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đang rộn ràng đón tết A Za.

 

Bà con Pa Cô làng Pi Reh Ah Net, xã Hồng Thủy,  tập trung về ngôi nhà sàn của làng sửa soạn cho ngày Tết A Za. Trước đó, đàn ông đã vào rừng đi săn, bắt cá, còn phụ nữ thì xay gạo làm bánh, dệt những tấm Zèng đẹp nhất để dâng lên Giàng và làm quà cho gia đình.

Ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống, cùng nhau bày biện lễ vật và tham gia lễ hội. Già làng Cu Sạt cho biết: "Trước khi tổ chức, ví dụ trong thôn mình có 4,5 họ, phải họp các trưởng họ để chuẩn bị các nội dung cho Tết A Za".

Tết A Za là dịp để mọi người quên đi những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống hàng ngày. Theo ông Hồ Văn Im, ở làng Pe Đụt, xã Hồng Trung: Lễ hội A Za còn được gọi với những cái tên khác như tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa. Bởi thế, trong phần nghi thức cúng, dâng lễ vật lên các Giàng không thể thiếu cây lúa và một đĩa cơm trắng được chọn nấu từ những hạt lúa ngon nhất trong thửa ruộng của mỗi gia đình. Ngoài ra, có thịt chuột hang, thịt nai, lợn, cá suối, gà trống luộc, cơm nếp nướng trong ống tre, rượu đoác…

"Vật lễ cúng mâm Giàng có các loại bắp, bí, lúa. Các loại thịt là thịt dê, lợn, gà… vật lễ đó phải đầy đủ, để mình cảm ơn tổ tiên phù hộ làm ăn trong một năm đó, không đau ốm, không này nọ. Cứ một năm mình cúng một lần" - ông Im nói. 

Cách thức tổ chức tết A Za của đồng  bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, ở huyện vùng cao A Lưới, có khác nhau, nhưng đều diễn ra vào cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa màng nương rẫy. Già làng Nguyễn Hoài Nam, ở xã Hồng Hạ, cho hay: Tết A Za thường  bắt đầu từ mồng 6/11 âm lịch và kéo dài đến 24 tháng 12 âm lịch. Mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian đó để tổ chức lễ A Za.

Với những nét độc đáo và đặc sắc riêng có, tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội A Za là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, cho biết: "Nếu được công nhận, các hoạt động sẽ được tổ chức nhiều hơn, được nhiều người biết đến. Với đồng bào ở A Lưới thì nhiều lễ hội như lễ hôi A Reu ping - lễ cải táng,  A Za - lễ mừng lúa mới... là các lễ hội mà bà con thường tổ chức".

Năm nay, đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới vui Tết A Za trong niềm vui được mùa.

 

Người dân vùng cao A Lưới trong lễ hội A Za

Lễ vật cúng Giàng trong ngày Tết A Za

Các nghi lễ cúng Giàng trong Tết A Za

 

 

 

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC