Lễ cúng cổng buôn của người M’nông
Thứ ba, 00:00, 25/07/2017
VOV4.VN - Lễ cúng cổng buôn của người M’nông thường diễn ra vào khoảng cuối mùa khô, trước khi bà con chuẩn bị làm nương rẫy. Đây là nghi lễ không thể thiếu trong năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, gia đình yên vui, người người khoẻ mạnh, mùa màng bội thu và buôn làng tránh được những tai ương.

Vào buổi sáng tiến hành lễ cúng cổng buôn, người dân tập trung cùng già làng chuẩn bị lễ vật. Vật phẩm để dâng lên các vị thần được các gia đình chuẩn bị bao gồm gạo, hoa quả, thịt và rượu cần. Đặc biệt là phải có bánh nếp do tự tay những người phụ nữ làm dâng lên thần linh.

 

Già làng thực hiện các nghi lễ cúng tại cổng buôn. Ảnh: Baomoi.com

Tuỳ theo khả năng của các gia đình mà lễ vật sẽ có nhiều hay ít. Vật dụng không thể thiếu là cây nến, được làm từ sáp ong sau khi đã vắt hết mật. Tiếp theo đó là sợi chỉ cột tay. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị số dây chỉ buộc tương đương với số người trong gia đình mình, để sau khi làm lễ cúng, các sợi chỉ này sẽ được buộc vào cổ tay của từng người.

Già làng Che Phiên, buôn Nà Sược, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Đây là lễ cúng đã có từ rất lâu đời, để mong mọi điều tốt đẹp cho buôn làng, vì vậy nó đã được lưu truyền qua bao thế hệ. Có những phong tục khác mình có thể bỏ được nhưng riêng lễ cúng cổng buôn thì không thể bỏ được. Trong buôn của tôi chưa có năm nào bỏ cái lễ cúng này. Ngày xưa khi còn sống thì cha tôi là người đứng ra chủ trì việc cúng buôn. Nếu duy trì việc cúng buôn nó sẽ đem lại điều tốt đẹp cho buôn làng mình, cho bến nước mình, cho con cháu của mình. Mình chăn nuôi trâu, bò cũng sẽ ngày một phát triển thành bầy thành đàn.”

Cọp gỗ được sử dụng trong lễ cúng với ý nghĩa xua đuổi rủi ro. Ảnh: baomoi.com

Lễ vật được các gia đình tập trung tại đầu làng, nơi được chọn để tiến hành lễ cúng. Tại đây, già làng đã dựng sẵn một cây nêu, một cái ndrơng (bàn thờ) để đặt vật tế lễ. Khi các gia đình trong buôn đã đến đông đủ, già làng sẽ thổi một hồi tù và như lời báo lễ cúng cổng buôn được bắt đầu. Già làng lần lượt đặt các vật tế lễ lên bàn thờ, và thực hiện các nghi lễ cúng thần.

“Hỡi thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng. Hỡi linh hồn của ông bà tổ tiên… Cầu cho các thần canh giữ buôn làng chúng tôi, phù hộ cho mọi người luôn mạnh khoẻ, tránh được rủi ro tai ương, tránh được bệnh tật. Cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cho lúa đầy kho, cho bắp chắc hạt. Nuôi trâu trâu thành đàn, nuôi bò nuôi heo đầy sân đầy chuồng, nhà nhà yên vui, hạnh phúc…’’

Thanh niên M'nông múa hát cầu mong may mắn. Ảnh: baomoi.com 

Mọi người sẽ đứng quanh cây nêu cùng làm lễ cúng. Sau đó, mỗi người đại diện cho gia đình sẽ được mời lên uống rượu. Họ chỉ uống nhấp môi, rồi rót rượu vào các quả bầu mang về.  Sau khi kết thúc phần cúng của già làng và người dân ở cổng buôn, thì mọi người sẽ mang lễ vật về nhà, coi như là “lộc ban”.  Họ đem rượu có hoà tiết lợn vừa hiến tế bôi lên cầu thang hoặc cửa chính ngôi nhà.  Điều này nhằm xua đuổi, ngăn những rủi ro đến với gia đình mình. Người lớn tuổi nhất sẽ lấy sợi chỉ vừa đi cúng về, nhúng vào rượu đã hoà tiết lợn, buộc vào cổ tay cho từng người, từ lớn đến bé, với ý nghĩa mọi  người đều sẽ được thần linh bảo vệ.

Bà U Thuyn, ở xã Ea Huar, bảo: “Khi tham gia lễ cúng buôn thì chúng tôi cũng khấn theo, cả buôn tham gia rất đông đủ. Khi ở lễ cúng về, người già nhất sẽ cột chỉ vào cổ tay của người lớn tuổi thứ hai trong gia đình, sau đó mình lại thứ tự cột chỉ tay cho từ thành viên cho đến hết, đó là phong tục của dân tộc M’nông mình. Việc này nhằm mục đích bảo vệ cho mình khỏi những đau bệnh và rủi ro. Ai cũng được khoẻ mạnh.”

Kết thúc phần lễ tại các gia đình, mọi người sẽ sang phần hội, cùng thưởng thức các món mà mình đã chuẩn bị. Trẻ nhỏ ăn bánh nếp, ăn thịt…, người lớn cùng nhau say sưa bên ché rượu cần. Trong tiếng chiêng ngân dài, các chàng trai cô gái, người già người trẻ cùng tham gia múa hát. Những điệu múa, những bài hát đối đáp nhau kéo dài cho đến hết ngày, tới khi rượu đã cạn, người đã say, trẻ em đã ngủ dài bên bếp lửa…

 

 

 

H’Thi/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC