Lễ cúng trâu rất quan trọng với các gia đình nuôi trâu. Bởi trâu không chỉ giúp sức trong lao động sản xuất, là vật hiến tế thần linh, mà nuôi được nhiều trâu còn khẳng định sự giàu có của gia đình. Lễ cúng trâu bắt buộc phải tổ chức vào buổi chiều tối, sau khi đàn trâu đã được lùa về nhà.
Ông Ama Nchrim, ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, cho biết: "Đã có câu buổi sáng cúng lúa, buổi chiều cúng trâu. Nếu gia đình không khá giả thì cúng ché rượu và con gà. Nếu mình không cúng trâu thì không được đâu, nó sẽ bị bệnh”.
Con trâu có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người M'nông. Ảnh: baomoi.com
Trước khi làm lễ cúng trâu, chủ nhà chuẩn bị một số lễ vật cần thiết như bầu nước, cơm (bắt buộc là cơm mới nấu), gà hoặc lợn (tuỳ theo số trâu của gia đình mà lựa chọn vật tế lễ cho tương xứng), một ché rượu cần, một bát gạo, nến.
Vào buổi chiều tối, khi đàn trâu đã được lùa vào chuồng, cột vào các cọc, chủ nhà bắt đầu tiến hành lễ cúng. Chỉ cần gia đình có trâu, bất kể là nhiều hay ít, thì họ đều làm lễ cúng trâu, và trực tiếp chủ nhà là người thực hiện lễ cúng.
Bà Me Njran, ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, kể: “Ở gia đình tôi thì tôi là người trực tiếp cúng. Lễ cúng này đã có từ thời ông bà rồi. Cúng với mong muốn cho đàn trâu nhà mình tránh khỏi dịch bệnh, ngày càng phát triển nhiều hơn nữa”.
Lễ cúng trâu gồm hai phần. Đầu tiên bà con tiến hành cúng trong nhà. Khi ché rượu đã được châm đầy nước, chủ nhà sẽ rót rượu đầy quả bầu khô, sau đó rót tiếp vào chén đồng nhỏ. Chủ lễ lấy tiết con vật hiến tế hoà chung vào chén rượu và khấn, báo cho các thần linh biết gia đình tổ chức lễ cúng trâu, mong các thần linh chứng giám, phù hộ.
Cúng trong nhà xong, chủ nhà sẽ ra chuồng trâu làm lễ cúng. Những vật cúng được đặt ngay trước cửa chuồng. Họ lấy một phần cơm và một phần thịt đặt lên lưng các con trâu, đổ nước trong quả bầu lên tất cả các con trâu. Sau đó, chủ nhà đứng cạnh con trâu đầu đàn và bắt đầu khấn.
Lời khấn có nội dung cầu mong cho thần linh phù hộ đàn trâu của gia đình mình tránh đựơc dịch bệnh, trâu đi ăn xa không bị rắn cắn, không đạp phải gai phải sắt, không vấp vào gốc cây, không rơi vào bẫy vào chông…, bệnh dịch tránh xa, sinh sôi ngày càng nhiều…
Đây là lời khấn trâu của ông Ma Chrim: “Mong thần linh phù hộ gia đình chúng tôi. Chúng tôi chỉ có con trâu này nên nó rất quan trọng với gia đình. Mong thần linh giúp trâu của chúng tôi tránh mọi bệnh dịch, tránh đạp trúng bẫy, tránh tông trúng cây, tránh rơi xuống nước, ngăn nó ăn lúa ăn bắp người ta, tránh húc cây trồng của người khác...”.
Khấn xong, chủ nhà sẽ trao bầu rượu cho người trực tiếp chăn dắt đàn trâu hàng ngày, mời người này uống trước. Người chăn trâu ăn no, uống hết rượu thì đàn trâu của gia đình cũng sẽ được no, được khoẻ. Tiếp đó chủ nhà vào bếp, đổ chén rượu đã hoà tiết cùng một ít cơm vào cạnh bếp lửa để cúng. Bà con quan niệm rằng bếp là nơi giữ lửa cho gia đình, dù làm bất cứ lễ cúng gì họ đều báo và tạ ơn bếp lửa.
Khi hoàn thành các thủ tục cúng lễ, mọi người sẽ cùng hưởng lộc. Đầu tiên là thầy cúng (chủ nhà) vít cần rượu, tiếp sau đó là người chăn dắt trâu, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình, khách mời và toàn thể mọi người có mặt.
H'Thi/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận