Lễ thổi tai của người Gia rai
Thứ năm, 00:00, 28/09/2017
VOV4.VN - Từ khi sinh ra đến lúc về thế giới ông bà, người Gia rai phải trải qua ít nhất hai, ba lễ cúng sức khoẻ. Lễ thổi tai được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời của người Gia rai. Bà con tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh,khôn ngoan, trở thành con người tốt của gia đình và cộng đồng.

 

Lễ thổi tai là nghi lễ rất quan trọng cho một người mới sinh trong gia đình, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm, gửi gắm mong muốn các thần linh tiếp tục bảo vệ và dạy bảo con trẻ lớn lên - theo chị Siu H’Nưn, ở thôn Plei Chôt, thị trấn Sa Thầy,  huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

“Em bé sau khi được sinh ra hai, ba ngày, người ta cột ché rượu, bắt con gà, con heo, thậm chí con bò tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, làm lễ thổi tai và đặt tên. Nhà nào khá thì làm to, uống rượu linh đình; nhà nào khó khăn thì cột ché rượu với con gà là xong. Mong muốn em bé biết nghe, biết nói và thông minh sau này" - chị Nưn nói.

Thổi tai cho trẻ nhỏ cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh, khôn ngoan. Ảnh: baomoi.com   

Trước đây, phụ nữ Gia rai thường sinh con tại nhà, có bà đỡ. Sau sinh nở, gia đình tổ chức lễ thổi tai để đặt tên cho em bé, cảm ơn bà đỡ, cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia đình và đứa trẻ. Nay, bà con đến trạm y sinh nở. Lễ thổi tai vẫn được thực hiện.

Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình chọn thời điểm tổ chức lễ thổi tai cho em bé và quy mô lớn hay nhỏ. Có nơi thì bà con tổ chức lễ khi em bé sinh được một tuần, hoặc khi em bé đã rụng rốn, và đặt tên cho bé. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi em bé biết bò, thậm chí biết đi, gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên. 

Bà Nay H’Tang, ở thôn Plei Tel A2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, từng đỡ đẻ và cúng thổi tai cho nhiều em bé, cho biết: “Người ta chuẩn bị một con gà, ché rượu cần; con trai thì gà trống, con gái thì gà mái. Con gà sau khi mổ thịt, chọn ra một vài miếng, ví dụ miếng gan, thịt, lòng, tiết… bỏ vào cái rổ nhỏ, lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng để tiến hành lễ thổi tai. Bà đỡ, thầy cúng đến chúc phước, cầu mong sự may mắn; cúng thần hộ mệnh bảo vệ trẻ sơ sinh. Người ta không quên gọi các yang tổ tiên, ông bà; yang đông yang tây, yang rừng rú, suối sông; yang sinh đẻ, bảo vệ loài người… Khi cúng, người ta mang em bé sơ sinh ra bồng bế, vỗ nhẹ vào ngực, vào lưng em và thổi tượng trưng vào tai”.

Bà Kpă H’Bian, ở thôn Plei Tel A2, kể: “Theo phong tục xưa, mình phải chuẩn bị cuộn chỉ, bông vải nữa; ché rượu, con gà, gạo tẻ và không thể thiếu cái bát đồng để đựng rượu hoà tiết con vật hiến sinh. Khi bà đỡ, thầy cúng có mặt, người ta gọi cha mẹ đẻ bế em bé sơ sinh ra ngồi trước lễ vật để thầy cúng khấn. Cha mẹ em bé ngồi phía đông của lễ vật, còn thầy cúng thì ngồi ở phía tây”.

Lời cúng của già làng Ơi H’Pơnh, làng Bôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, tại Lễ thổi tai: "’Hỡi các yang (thần linh), này đây chúng ta dâng các thần bằng rượu ngọt, rượu chua, thịt heo gà, muốn tiến hành thổi tai cho nó, mong rằng các yang che chở, bao bọc, nuôi nấng, dìu dắt nó. Chúng ta cột ché rượu ba, rượu năm để dâng cho thần đỡ đẻ, thần trông nom trẻ, mong sau này cả nhà đi rẫy lên nương, mẹ nó chẻ củi, lấy nước không có gì vướng mắc trắc trở; cầu cho em bé sống khoẻ mạnh đến thọ. Nó lớn lên được cha nhờ gánh nước, mẹ nhờ nương rẫy; người nó được khoẻ mạnh, uống rượu, vui chơi với mọi người không bị rượu đè, ma xui làm việc xấu. Này đây, các loại rượu ngon, thịt thơm dâng cho các yang để sau này, ra sông, xuống suối, vào rừng lên núi; dù trời lạnh hay nóng, mưa hay nắng luôn luôn được các yang che chở cho nó suốt cuộc đời...’’.

Khấn xong, thầy cúng xoa nhẹ vào đầu, vào ngực, vào lưng, tay chân em bé, và thổi tượng trưng vào tai bé. Thực hiện xong nghi lễ, thầy cúng mời bà đỡ uống trước, cha mẹ em bé, rồi đến bà con họ hàng, buôn làng cùng uống vui với gia đình. Với Lễ thổi tai, người Gia rai tin rằng em bé sẽ luôn khoẻ mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người tốt.

 

 

Nay Jet-Siu H’Mai/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC